Khi con gái vào tuổi mới lớn, không ít bố mẹ sẽ lo lắng về việc học tập, tâm lí của các con để lựa chọn ngôi trường Nội trú phù hợp. Việc lựa chọn trường chỉ có Nữ sinh cũng còn do tính cách của các con, và các con được gì khi học tại các trường này?
Trường nam - trường nữ, xu hướng cũ mà mới
Hiện các trường học phân chia theo giới tính đa số vì yêu cầu tôn giáo, hoặc quan điểm ở các quốc gia khắt khe với phụ nữ. Nhưng ở các nước phát triển, phân chia trường riêng dành cho nam sinh và nữ sinh là xu hướng mà các nhà chuyên môn đang bàn thảo, với mục đích giúp học sinh đạt được chất lượng đào tạo cao nhất.
Giáo dục phân chia giới tính (theo lớp hoặc theo trường) đang được cân nhắc cho trường công ở Anh, và đang áp dụng tại các trường tư.
Lâu nay, mọi người thường nói về sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận, xử lý kiến thức giữa nam sinh và nữ sinh. Ít ai đề cập đến khía cạnh có sự phân biệt và vượt trội hơn hẳn của nữ giới trong lớp học khiến bạn khác phái trở nên thụ động, ít cơ hội chứng tỏ mình. Mới đây, ông Alun Jones, nam chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội trường học dành cho nữ sinh khẳng định, nam sinh cần được tách khỏi nữ sinh cho đến năm 16 tuổi nếu không muốn bị lấn át bởi các bạn nữ quá nổi bật và nhanh nhẹn.
Ông Alun Jones dẫn số liệu thống kê chỉ ra rằng, việc giáo dục riêng nam sinh và nữ sinh với những bài học tách biệt sẽ giúp giảm được tình trạng các em trai từ 11-16 tuổi bị bỏ rơi trong cuộc đua với bạn nữ. Trong khi nữ sinh quá tỏa sáng, năng động trong lớp thì các em trai năng lực trung bình sẽ có cảm giác mình bị lu mờ. Kết quả học tập của bậc phổ thông Anh (GCSE) thường cho thấy, phần lớn nam sinh bị bạn nữ vượt qua dễ dàng.
Mô hình mà ông Alun Jones, cũng là hiệu trưởng trường nữ sinh St Gabriel, đề xuất là các em học sinh có thể học với nhau đến năm 11 tuổi. Khi chuyển sang cấp học mới, các em cần được tách ra vì đây là giai đoạn tâm sinh lý có những chuyển biến rõ rệt, không thể để nam sinh có cảm giác hụt hơi khi nhận thấy mình chẳng nổi bật, không theo kịp nữ sinh.
Giáo dục phân chia giới tính (theo lớp hoặc theo trường) từ những thế kỷ trước là điều hết sức bình thường. Ở thời hiện đại, việc phân chia này cần được đánh giá sâu hơn, cập nhật hơn. Mô hình giáo dục này đã và đang áp dụng với các trường tư ở Anh và đang được cân nhắc là một lựa chọn mới cho trường công. Hiệp hội giáo dục công phân chia giới tính trong trường học ước tính, 400 trường công của Anh có ý định áp dụng mô hình trên.
Ở Canada, các nhà giáo dục lại phân tích câu chuyện này ở góc độ khác. Hơn 10 năm nay, trong giới chuyên môn tại Canada đã xuất hiện ý kiến tách riêng nam nữ. Trường trung học Jameslin ở Montreal là điển hình. Thành tích của học sinh rất kém, tỷ lệ bỏ học cao; nam sinh thường xuyên ẩu đả, nữ sinh thì có đến 15% mang thai ngoài ý muốn. Nhà trường đã cải cách với quyết định được cho là táo bạo khi ấy của vị hiệu trưởng: chia học sinh thành các lớp riêng biệt theo giới tính rồi áp dụng những phương pháp, bài học riêng cho nam sinh và nữ sinh. Sau nhiều năm đánh giá và kiểm chứng, kết quả vượt mức mong đợi. Điểm số thi cử của các em tăng trung bình 15 điểm (theo hệ 100 điểm), tỷ lệ học sinh đậu đại học tăng gấp đôi. Hiện tượng nữ sinh mang thai gần như được xóa sạch. Ban giám hiệu nhà trường cho rằng, phân chia giáo dục theo giới tính có nhiều ưu điểm. Nữ sinh yên tâm học hành mà không sợ bạn nam đố kỵ vì các em có thành tích tốt hơn.
Vấn đề này hiện vẫn vấp phải nhiều tranh cãi rằng, liệu có thích hợp không nếu xét về bình đẳng giới, nhu cầu tương tác và học hỏi lẫn nhau giữa các đối tượng khác giới. Tuy nhiên, việc một số trường học áp dụng thành công đã cho thấy, đây là mô hình có những nét độc đáo nhất định. Điều này không đi ngược với xu hướng bình đẳng giới mà ngược lại, là phương pháp hiệu quả ở các nước phát triển để củng cố bình đẳng giới.
(Daily Mail, Sunday Times, Global Post)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét