Theo báo cáo mới nhất thì hiện nay có 528 sinh viên Việt Nam đã và đang nhận học bổng VEF theo học và nghiên cứu tại trên 100 ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ.
LTS: Quỹ Giáo dục Việt Nam ra đời do Đạo luật VEF Act năm 2000 của Quốc hội Hoa Kỳ, nhằm cải thiện mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục tập trung vào các ngành khoa học, kỹ thuật, toán học, y tế và công nghệ.
Chương trình học bổng VEF là hoạt động trọng tâm của Quỹ. VEF yêu cầu các nghiên cứu sinh và học giả trở về Việt Nam sau khi hoàn tất các chương trình học thuật của mình tại Hoa Kỳ.
Quỹ học bổng này đã giúp hàng trăm nghiên cứu sinh Việt Nam có cơ hội sang Hoa Kỳ theo học và làm việc sau khi về nước, trước nguy cơ Quỹ ngừng hoạt động vào năm 2018 do Đạo luật VEF năm 2000, nếu Quốc hội Hoa Kỳ không có hành động gì.
Quỹ ngừng hoạt động sẽ là một tổn thất không nhỏ đối với các cơ hội được nghiên cứu, học tập tại nước có nền khoa học tiên tiến của sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam. Mới đây, đoàn VEF có chuyến công tác tại Việt Nam để xúc tiến duy trì Quỹ Giáo dục Việt Nam với các cơ quan, ban ngành và Quốc hội Việt Nam.
Để rõ hơn về sự ra đời và tầm quan trọng của Quỹ Giáo dục Việt Nam, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Cảnh, cố vấn Quỹ Giáo dục Việt Nam nhân chuyến công tác tại Hà Nội.
PV: Quỹ Giáo Dục Việt Nam (VEF) của Hoa Kỳ đã chính thức hoạt động vào năm 2003, xin ông cho biết thêm về mục tiêu, tổ chức và quá trình hoạt động của Quỹ ?
Ông Trần Đức Cảnh: Mục tiêu của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) là giúp đào tạo một lực lượng có trình độ và chuyên môn cao về khoa học kỹ thuật cho Việt Nam, phần nào bổ sung cho Chương trình Fulbright Việt Nam lúc đó chỉ tập trung đào tạo các ngành quản lý hành chính công và kinh doanh.
Tôi nhớ ý tưởng thành lập VEF bắt đầu năm 1998 tại một phòng họp nhỏ trong khuôn viên ĐH Harvard, và sau đó trở thành Đạo luật Vietnam Education Act 2000 vào năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Bill Clinton, lúc đó tôi được yêu cầu tìm và giới thiệu các thành viên dân sự vào Hội đồng quản trị của VEF.
Nhóm cựu chiến binh Việt Nam trong Quốc hội Hoa Kỳ lúc đó như Thượng Nghị sĩ John Kerry, John McCain ..đã có công lớn trong việc ban hành Đạo luật này. Khâu tổ chức và thực hiện chương trình VEF lại nằm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống George W. Bush.
Theo Đạo luật VEF năm 2000, Quỹ Giáo dục Việt Nam là một tổ chức của Chính phủ Hoa Kỳ, hoạt động độc lập và báo cáo lên Tổng Thống.
Hồng đồng quản trị có 13 người bao gồm 2 Thượng Nghị sĩ, 2 dân biểu Quốc hội, 3 Bộ trưởng (Ngoại Giao, Tài Chính và Giáo dục) và 6 thành viên dân sự do tổng thống bổ nhiệm (nhiệm kỳ 3 năm). Tôi chưa thấy một tổ chức chính phủ liên bang nào có ngân sách nhỏ như VEF (khoảng 5 triệu USD/năm), mà lại có một Hội đồng quản trị hùng hậu như thế.
Theo báo cáo mới nhất thì hiện nay có 528 sinh viênViệt Nam đã và đang nhận học bổng VEF theo học và nghiên cứu tại trên 100 ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ.
Trong số đó đã có 85 người tốt nghiệp Thạc sĩ và 232 người tốt nghiệp Tiến sĩ, số còn lại đang học. Ngoài ra VEF còn có chương trình trao đổi giãng dạy và nghiên cứu của các Giáo sư và Giảng viên viên giữa các trường đại học hai nước.
Không ít trường hợp sinh viên sau khi nhận học bổng VEF, lại được các trường khác cấp học bổng, điều kiện và số tiền có thể tốt hơn, nên nhường lại phần học bổng VEF cho người khác. Do đó, số tiền của VEF sử dụng hiệu quả hơn so với ước tính ban đầu.
Điều kiện ràng buộc khi nhận học bổng của VEF là họ phải trở về nước sau khi hoàn tất chương trình học tại Hoa Kỳ.
Cả hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam đều đánh giá rất cao hoạt động của VEF, nhằm giúp Việt Nam phát triển ngành khoa học và kỹ thuật hơn thập niên vừa qua, riêng ông đánh giá thế nào ?
Ông Trần Đức Cảnh: Sinh viên Việt Nam rất thông minh và chịu khó, chỉ cần có môi trường học thuật tốt là các bạn sẽ phát huy, và VEF đã giúp làm tốt việc đó, ít nhất là đến thời điểm này.
Nhờ sự tuyển chọn gắt gao và khả năng học tập tốt của sinh viên tại rất nhiều ĐH Hoa Kỳ, tạo uy tín cho VEF, dần dần mở đường cho một số sinh viên sau này có cơ hội xin học bổng trực tiếp các trường mà không nhất thiết phải thông qua VEF, tôi cho đây là sự lan tỏa rất quan trọng.
Tôi chỉ mới nói về học thuật, khả năng và môi trường ứng dụng sau khi về nước hiện nay là vấn đề lớn. Một số các bạn về nước hội nhập trở lại thành công, một số chưa tìm được công việc và môi trường phù hợp để phát huy.
Điều đó nói lên một phần là nền công nghệ trong nước chưa thật sự phát triển, một phần tìm một vị trí phù hợp khi về nước không hoàn toàn do tài năng. Tôi cũng đã khuyên các bạn khi về nước cần có sáng kiến và chủ động hơn, ví dụ như thành lập công ty nếu thấy có cơ hội.
Theo tôi được biết là các bạn cũng đã xây dựng một mạng lưới cựu sinh viên VEF và hoạt động rất tích cực, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ là Việt Nam cần chủ động và quan tâm hơn trong việc sử dụng nguồn tài năng được đào tạo từ một nền khoa học-kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới là Hoa Kỳ.
Ông cùng với đoàn VEF sang Việt Nam làm việc với các Bộ, Ban ngành, đại học, Quốc Hội và Hiệp hội, ông nhận xét thế nào qua các cuộc làm việc này ?
Ông Trần Đức Cảnh: Vừa rồi tôi có tham gia với đoàn VEF làm việc với lảnh đạo Bộ, Ban, Quốc Hội, Hiệp hội và Trường. Họ đều đánh giá rất cao về các hoạt động của VEF từ nhiều năm nay, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và khả năng nghiên cứu từ các trường hàng đầu trên thế giới.
Họ không khen VEF bằng những ngôn ngữ ngoại giao chung chung, mà bằng ngôn ngữ khoa học và đưa ra các đề xuất rất cụ thể. Các chương trình hợp tác khoa học, cũng như tổ chức hội thảo về các đề tài khoa học và hợp tác giáo dục.
Tôi nghĩ đoàn VEF rất phấn khởi sau chuyến công tác này, đồng thời cũng rất lo lắng cho các công việc đang chờ họ sắp tới. Nói chung là tôi đánh giá rất tốt chuyến công tác lần này của đoàn.
Theo Đạo luật VEF năm 2000, nếu Quốc hội Hoa Kỳ không có hành động gì thì VEF sẽ ngưng hoạt động vào năm 2018, theo ông thì Quỹ VEF và các đối tác, đơn vị tham gia cần phải làm điều gì để Quỹ VEF có thể tiếp tục hoạt động ?
Ông Trần Đức Cảnh: Ngân sách hoạt động của VEF lấy từ số nợ (debt re-payment) phía Việt Nam phải trả cho Hoa Kỳ sau khi 2 nước chính thức có quan hệ ngoại giao.
Thay vì đưa vào ngân sách chung của chính phủ, một số người chúng tôi đã vận động đưa phần lớn nguồn tiền này sang chương trình VEF, không chỉ là số tiền mà là một các giúp Việt Nam phát triển giáo dục tốt hơn, qua hoạt động của VEF.
May mắn là đã có những người bạn trong Quốc hội đồng tình và đã giúp biến ý tưởng VEF thành hiện thực. Người Mỹ tin rằng nếu chúng ta có ý tưởng và có gắng thực hiện nó thì tất cả hoàn toàn có thể xảy ra. Ý tưởng của VEF cũng từ câu nói “anything possible” mà ra.
Qua sự thăm dò từ 2 phía, hầu hết những người biết, tham gia vào chương trình VEF đều mong muốn Quỹ tiếp tục sau 2018. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khách quan, tôi có bàn với lãnh đạo VEF là nên có một đánh giá độc lập, toàn diện hoạt động của VEF từ trước đến nay, sau đó mới đưa ra những đề xuất cụ thể về hướng phát triển của VEF sắp tới.
Theo ý kiến của một số lãnh đạo Bộ, Ban ngành trong các cuộc gặp gỡ vừa rồi là sắp tới VEF nên mở rộng chương trình học bổng không chỉ các ngành khoa học và kỹ thuật, mà mở rộng đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn, quản lý giáo dục và VEF tiếp tục đóng vai trò kết nối các ĐH Việt Nam với ĐH ở Mỹ.
Điểm sau cùng sẽ giúp các ĐH Việt Nam tiếp cận được mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của các trường ĐH Hoa Kỳ, song song với phần học thuật và nghiên cứu, tôi cho đây là một trong những thế mạnh của VEF, có thể tận dụng.
Là người làm công tác phát triển nguồn nhân lực tại Hoa Kỳ và đồng thời tham gia giúp phát triển giáo dục từ 2 phía Hoa Kỳ và Việt Nam hơn hai thập niên, ông có đóng góp ý kiến gì cho giáo dục Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn ?
Ông Trần Đức Cảnh: Bản thân tôi không phải là một nhà giáo dục theo nghĩa thuần túy, mà là người làm chính sách, tổ chức và quản lý các chương đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời kết nối và tập hợp các nguồn lực để thực hiện các chương trình.
Tôi may mắn có cơ hội làm việc ở các cơ quan thuộc bang Massachusetts, thủ phủ là thành phố Boston. Massachusetts được mệnh danh là đầu tầu của nước Mỹ về nhiều lãnh vực, chính trị-xã hội, giáo dục, y tế, khoa học và kỹ thuật..Vùng Boston cũng là điểm giao lưu văn hóa và giáo dục với Việt Nam rất sớm.
Nói về Giáo dục thì Việt Nam, theo tôi thì cần phải giải quyết một số vấn đề rất cơ bản mới mong đưa nền giáo dục lên một tầm mới, điển hình như tự chủ đại học, tự chủ tài chình dẫn đến tự do học thuật mà giới trí thức trong xã hội đang quan tâm.
Thiết nghĩ sự quan tâm về giáo dục của toàn xã hội rất lớn, từ lãnh đạo đến người dân bình thường, do đó cải cách giáo dục theo mô hình tiên tiến để hội nhập thành công với thế giới là điều không phải bàn cãi.
Người Mỹ có câu “nghĩ thế giới, nhưng làm từ địa phương”, tôi xin quay về câu chuyện của VEF và cách làm thế nào để có được VEF 2, một tổ chức giáo dục rất gần với trái tim tôi từ rất nhiều năm.
Xin cảm ơn ông
Bài viết của Phóng viên Giáo dục Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét