Hướng dẫn chọn trường
Trước khi vào phần nộp đơn đăng kí nhập học, thì việc chọn trường sao cho phù hợp với khả năng, sở thích và tình hình kinh tế của bản thân và gia đình là một quá trình hết sức quan trọng. Trước hết, để chọn được trường, học sinh cần xác định xem mình muốn theo học tại trường Tư thục hay Công lập. Bảng sau sẽ chỉ ra các điểm khác biệt cơ bản giữa hai hệ thống này.
Trung học Tư thục | Trung học Công lập | |
Tuyển sinh | – Hiện nay, học sinh Việt Nam có cơ hội tham gia vào quá trình tuyển sinh theo hai cách: theo vòng tuyển sinh trực tiếp của các trường tại Việt Nam, hoặc tự nộp đơn trực tiếp từ Việt Nam đến các trường. – Học sinh Việt Nam không bị giới hạn thời gian học tập ở trường. | – Các trường công lập không sang Việt Nam để tuyển sinh. Học sinh Việt Nam chỉ có thể nộp đơn trực tiếp đến các trường. – Theo luật của chính phủ Mỹ, nếu học trường công lập, học sinh Việt Nam chỉ có thể học tại trường tối đa 12 tháng. |
Học phí | – Học phí trung bình trong khoảng $20000-55000. Mức dao động lớn như vậy là do mô hình tổ chức (nội trú, bán trú…), ngân sách đóng góp, cơ sở vật chất,… của từng trường khác nhau. – Học phí của trường bán trú thường thấp hơn các trường nội trú. Mức học phí các trường nội trú thường khá cao (có thể lên đến hơn $45000/năm) do phí sinh hoạt, ăn ở, an ninh, cơ sở vật chất (thư viện, gym, máy tính, internet…), giải trí cuối tuần, v.v. | – Học phí trung bình trong khoảng $3000-10000/năm học. – Tất cả trường nội trú công lập đều có mức học phí tương đương trường bán trú công lập vì các trường nội trú công lập được nhận sự tài trợ của chính phủ. – Học phí của các học sinh là cư dân trong vùng được miễn giảm nhiều nhờ vào nguồn trợ cấp từ chính quyền. |
Hỗ trợ tài chính | Có hai dạng hỗ trợ tài chính ở các trường tư thục: merit-based scholarship và need-based financial aid. | Theo luật của chính phủ Mỹ, học sinh quốc tế phải đóng toàn bộ học phí trong thời gian học tập ở trường và không được hưởng chế độ ưu đãi học phí nào. |
Cộng đồng học sinh | – Số lượng học sinh trường tư thục thường nhỏ (trường lớn nhất chỉ xấp xỉ 1000), và đối với các trường nội trú, phần lớn học sinh và giáo viên sống trong trường, nên các trường tư thục Mỹ thường có tính cộng đồng cao. – Các trường tư thục nhận học sinh đến từ mọi nơi. Sự đa dạng (diversity) rất được coi trọng và gần như là một nét đặc trưng cho các trường tư thục. | – Số lượng học sinh trường công lập thường khá lớn (trường lớn nhất xấp xỉ 6000). Nhìn chung, tính cộng đồng của một trường trung học công lập không cao. – Các trường công lập không đa dạng về văn hoá lắm vì học sinh chủ yếu là từ các vùng trong cùng quận, cùng bang. |
Ngân quỹ | – Trường tư thục có nguồn ngân quĩ khá dồi dào từ học phí, sự đóng góp của phụ huynh, cựu học sinh, v.v. – Nguồn quĩ thường được dùng để cấp học bổng; xây dựng, phát triển các chương trình đặc biệt như các chuyến đi thực tế để củng cố bài; thành lập các câu lạc bộ do học sinh lập ra (câu lạc bộ khoa học, rubik, robot, môi trường, nấu ăn, kinh tế, chụp ảnh, trượt tuyết…). | – Trường công lập nhận nguồn quỹ từ tiền thuế của người dân nộp cho chính quyền địa phương, toàn bang, hoặc toàn quốc. – Nguồn quĩ phần lớn là để duy trì mức học phí thấp. Vì thế, không nhiều trường có đủ ngân sách cho các hoạt động phong phú như ở trường tư thục. |
Kỷ luật và an toàn | – Các trường tư thục chú trọng vào giá trị nhân văn. Do đó, trường tư thục thường có các qui định về danh dự hoặc chuẩn mực hành xử nghiêm khắc hơn các trường công lập nhằm giúp các học sinh trưởng thành hơn. – Sĩ số lớp khá nhỏ nên giáo viên có nhiều cơ hội theo dõi và rèn luyện học sinh. – Khuôn viên trường tư thục khá an toàn, đặc biệt là trường nội trú. Việc ra vào trường được quản lý rất chặt chẽ, và có người túc trực hằng ngày. | – Hình thức kỷ luật bị giới hạn bởi các quá trình tư pháp. Đình chỉ hay đuổi học ít khi xảy ra. – Kỷ luật ở trường công lập khá phức tạp vì có quá đông học sinh – Khuôn viên trường không được kiểm soát chặt chẽ cho lắm. Người ngoài trường có thể trà trộn vào. |
Môi trường học tập | – Trường tư thục có giáo trình dạy riêng, có nhiều môn học khác làm cho chương trình học thêm phong phú như: kịch, nhạc kịch, làm phim, quay phim, dàn dựng sân khấu, ca hát, v.v. Học sinh không bị bắt buộc học môn thể dục. – Học sinh có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn thông tin về đại học, biết được những yêu cầu đầu vào của các trường đã chọn. Thông qua các tư vấn viên về đại học (college counselor) tại trường, học sinh có thể biết được mình nên làm gì, tham dự kì thi chuẩn hóa nào, đại học nào có ngành mình muốn theo đuổi… – Trung bình, sĩ số mỗi lớp học tại trường tư thục vào khoảng 5-20 học sinh. Vì thế học sinh thường được giáo viên quan tâm hơn về học tập. Họ hiểu đươc ưu khuyết điểm của học sinh và mối quan hệ thầy trò cũng được nâng cao. Ngoài ra, học sinh có nhiều cơ hội tham gia xây dựng bài và có nhiều thời gian hỏi thầy cô nếu chưa thật sự hiểu bài. – Nhìn chung, học sinh học tại các trường tư thục thường đạt thành tích học tập cao vì: + Trường tư thục có nhiều yêu cầu cao như số lượng và mức độ khó của các khóa học, hoạt động ngoại khóa (thể thao, nghệ thuật, cộng đồng…, ) + Học sinh trong trường đều đã vượt qua một quá trình tuyển chọn để vào trường nên chất lượng cũng tốt hơn. – Tỉ lệ học sinh vào đại học sau khi tốt nghiệp bình quân tại các trường tư thục đạt 90-95%. – Các trường tư thục có thể theo các mô hình giáo dục: trường tôn giáo, trường dự bị đại học, trường nghệ thuật. – Hầu hết các trường bắt buộc học sinh tham gia ít nhất một hoạt động ngoại khoá, có thể là thể thao, báo chí, tình nguyện… (thay cho môn thể dục trong trường công lập). Một số trường yêu cầu học sinh hoàn thành một số giờ nhất định làm hoạt động cộng đồng. | – Trường công lập phải tuân theo những chuẩn mực của bang về cái được dạy và cách dạy. Vài chủ đề nhất định như tôn giáo và tình dục bị cấm. Trường thường không có nhiều các môn nghệ thuật. Học sinh phải học môn thể dục. – Công việc định hướng đại học ở các trường công lập có sự chênh lệch khá rõ nét. Trong khi một số trường rất coi trọng điều này và có bộ phận tư vấn tuyển sinh đại học không thua gì trường tư thục, nhiều trường lại chỉ làm cho có lệ. Thậm chí, vài trường không cung cấp thông tin hoặc ngăn cản học sinh quốc tế nộp đơn vào các trường đại học Mỹ. – Trung bình, sĩ số mỗi lớp học tại trường công lập vào khoảng 25-30 học sinh. Lớp đông khiến giáo viên khó có thể tiếp cận và quan tâm tới từng học sinh. – Nhìn chung, học sinh học tại các trường công lập thường không đạt thành tích học tập cao vì: + Ngoại trừ các trường công lập hàng đầu nước Mỹ như School for the Talented and Gifted (Texas), nhiều trường không yêu cầu cao ở học sinh: ít các lớp nâng cao, không đòi hỏi nhiều hoạt động ngoại khoá,… + Hầu hết các trường không có tuyển chọn đầu vào. Học sinh chỉ cần là cư dân trong vùng và cách cư xử chấp nhận được để có thể vào học các trường công lập bình thường. – Tỉ lệ học sinh vào đại học sau khi tốt nghiệp bình quân tại các trường công lập đạt 62-67%. – Các trường công lập có thể theo các mô hình giáo dục: trường dự bị đại học, trường nghệ thuật. Trường công lập không được phép liên quan tới tôn giáo, ngay cả trong chương trình học. – Việc bắt buộc tham gia hoạt động ngoại khoá hay không tuỳ thuộc vào từng trường, từng bang. |
Sau khi đã xác định được liệu mình muốn vào trường tư thục hay công lập, học sinh có thể tham khảo các bước cần để chọn trường phù hợp được liệt kê như sau:
Bước 1: Truy cập vào những websites cần biết về trung học Mỹ để tìm hiểu thông tin chung về các loại trường và các trường.
Bước 2: Chọn loại trường và một số trường phù hợp với nhu cầu, sở thích và tình hình tài chính của bản thân và gia đình. Một số yêu tố quan trọng cần quan tâm trong việc chọn trường:
- Loại trường: nội trú/bán trú, tôn giáo, quân đội, nghệ thuật, trường nam sinh/nữ sinh/nam nữ
- Lịch sử – Địa lý – Danh tiếng
- Đội ngũ giáo viên, sĩ số lớp học, tỉ lệ giữa giáo viên và học sinh, số môn học, các khóa học nâng cao (Advanced Placement), các đại học có học sinh trường theo học
- Tổng số học sinh trong trường, số học sinh quốc tế, các câu lạc bộ và nhóm, các môn thể thao
- Mức độ phổ biến của trường với học sinh Việt Nam/ Số lượng học sinh Việt Nam đã và đang theo học ở trường (trường đã có học sinh Việt Nam theo học thì nắm tình hình học sinh Việt Nam hơn (thang điểm, v.v), nhưng đồng thời tính cạnh tranh cao hơn để vào, và ngược lại)
- Ngân quỹ trường, mức hỗ trợ tài chính trường cấp, và số lượng học sinh quốc tế được hỗ trợ tài chính mỗi năm (để biết trường có “rộng lượng” trong việc hỗ trợ tài chính hay không)
- Tỉ lệ học sinh được nhận vào học (xem độ khó để được nhận vào trường)
Ngoài ra còn có các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến quyết định như: cảnh quan trường, trường có lớp vào thứ 7 hay không, có đồng phục trường hay không, v.v
Bước 3: Vào websites từng trường để tìm hiểu kỹ thông tin. Xem mục “Admisions” để nắm yêu cầu tuyển sinh của trường (hỗ trợ tài chính cho học sinh quốc tế, các kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc, v.v) và các mốc thời gian quan trọng trong quá trình nộp hồ sơ. Bạn cũng có thể yêu cầu view book và hồ sơ nhập học từ website trường.
Bước 4: Chọn ra danh sách những trường bạn muốn nộp đơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét