"Cơn ác mộng tuyệt vời" tại Berkeley

Sống - học tập tại một trong những ngôi trường đại học nổi tiếng nhất “Xứ sở cờ hoa” có thể chẳng hề “như mơ” như chúng ta thường nghĩ! Tôi đã có cơ hội tham gia Hội nghị lãnh đạo sinh viên toàn nước Mỹ (National Student Leadership Conference) chuyên ngành công nghệ sinh học kéo dài 10 ngày tại ngôi trường danh giá UC Berkeley, và đây là những điều tôi muốn chia sẻ khi “sém” trở thành một cô sinh viên đại học.

du học, du học sinh, đại học, công dân toàn cầu
Tác giả và những người bạn toàn cầu
Ếch bò khỏi giếng!
Vấn đề thứ nhất mà tôi gặp phải là kết thân và tập sống chung với những người bạn cùng phòng. Vào ngày đầu tiên, tôi đã bị xem là một “củ khoai” khi bị phớt lờ khỏi mọi cuộc trò chuyện vì hầu như tôi là “kẻ ngoại đạo” với bất cứ chủ đề gì mà mọi người đang bàn tán sôi nổi.
Cuộc nói chuyện duy nhất diễn ra giữa tôi và “cô gái Texas” - Sama chỉ vỏn vẹn trong hai câu khi cô ấy hỏi tôi về đội bóng chày mà tôi yêu thích, và tôi cũng trả lời thật lòng rằng tôi chưa hề biết bóng chày là cái gì! Sama ném cho tôi một ánh nhìn theo kiểu: “Sao trên đời này lại có một con nhỏ “ngố” đến thế này nhỉ? Tôi đã rất cáu vì cho rằng mình “xứng đáng” được yêu quý, bởi mình là cô gái ở đất nước Việt Nam xa xôi lần đầu tiên đến nước Mỹ phồn hoa của họ mà?
Từ đó, tôi đem cục “tự ái” gắn chặt vào màn hình laptop để tránh những cuộc chuyện trò. Sau hai ngày gồng mình sống “tự kỷ”, không có ai để ăn vặt hay “tám” cùng, tôi lờ mờ nhận ra hình như tình trạng “kì cục” này không đến từ những cô bạn cùng phòng mà là do thái độ “kì quái” của chính tôi. Tôi quyết định dẹp cái “sĩ diện” và rủ hai cô bạn cùng đi ăn sáng.
Tôi đã khá bất ngờ khi lời mời được chấp nhận một cách rất hào hứng. Từ tối hôm ấy, chúng tôi đã trở nên thân thiết hơn vì… thông qua dạ dày, tình cảm đã tìm được đường đến trái tim! Và đặc biệt hơn nữa, bây giờ tôi đã “có” cho mình một đội bóng chày yêu thích: đội Giants; về phía các bạn cùng hội nghị với tôi thì đã thật sự “có” một tình yêu say đắm với món PHỞ Việt Nam!
Cái “TÔI” của bạn sẽ dẹp… như con gián!
Ở Việt Nam, tôi tự đánh giá mình là một… “ngôi sao be bé”. Tôi xếp mình vào một trong số ít những người có thể vừa giữ vững điểm số học tập hạng “top”, hoạt động ngoại khóa phong phú, chơi thể thao và một số nhạc cụ khá cừ nữa!
Nhưng khi tôi tham gia hội nghị này, tôi nhận ra mình chỉ là một con “đom đóm” lập lòe giữa rừng đèn… cao áp! Tôi thật sự cảm thấy “choáng ngợp” khi sống trong một môi trường chỉ toàn là những người trẻ tài năng. Tôi bắt đầu “nghi ngờ” khả năng của mình. Cô bạn thân người Đức đã tốt nghiệp sớm hơn một năm, cô ấy là một tài năng toán học hiếm thấy cộng với trí nhớ siêu phàm. Tôi đã tưởng mình đang gặp Albert Einstein khi cô ấy đọc cho tôi hẳn 30 số đầu tiên trong hằng số pi khi chúng tôi lần đầu gặp nhau ở buổi Pizza họp mặt.
Biết không thể nào gây ấn tượng với kiến thức phổ thông, nhưng chẳng cam lòng chịu thua, thế là tôi bèn chơi một bài nhạc “tủ” trên cây piano ở góc phòng. Tiếng vỗ tay vang lên làm tôi cảm thấy hết sức hài lòng! Nhưng ngay sau đó, tôi đã ngây người, thậm chí sởn cả “da gà” khi cậu bạn người Do Thái “nhảy múa” trên những phím đàn với bản sonata Ánh trăng (Moonlight) đầy ma mị của Beethoven. Một lần nữa, tôi thấy má mình nóng bừng lên vì mắc cỡ! Tuy nhiên trấn tĩnh lại, tôi nhận ra rằng: tiếp xúc với những người bạn như thế có thể khiến bạn cảm thấy mình “vô dụng” nhất thời, nhưng nó lại là một động lực giúp bạn nỗ lực không ngừng cho lần gặp lại mai sau.
Những giáo sư với cây đũa thần!
Tôi đã có vinh dự được giao lưu với một giáo sư tuyệt vời và đáng kính - Mr. Mike Walsh tại trường đại học UC Berkeley. Ông ấy đã giúp tôi nhận ra mục đích sống của mình bằng một cách rất hài hước. Tất cả những bài giảng của ông được truyền đạt đến mọi người rất chuyên nghiệp và mang đầy cảm hứng. Thật lòng mà nói, tôi cảm giác như được ở nhà cùng với những người bạn cùng khóa, nơi mà tất cả chúng tôi đều có cơ hội nói ra mọi ý tưởng, ý kiến trái chiều của mình trong sự chăm chú lắng nghe và tôn trọng của mọi người. Nơi đây thiếu hẳn sự… châm chọc, đả kích đầy ác ý.

Tôi chưa bao giờ có cơ hội được phát ngôn một cách tự do như thế cho dù tôi học một trường quốc tế ở Việt Nam, nên đó quả là một cơ hội hiếm có cho tôi lột tả và thuyết phục mọi người bằng ý kiến riêng của mình. Cơ hội này giúp tôi cảm thấy thật hạnh phúc, thật tự tin vào bản thân khi ý kiến của mình được đón nhận bởi mọi người.
Bạn sẽ chẳng thể thành công một mình đâu!
Tham gia NSLC yêu cầu không những kiến thức nền tảng tốt mà còn sự sẵn sàng để hợp tác với mọi người xung quanh.
Vào ngày đầu tiên của khóa học, chúng tôi có một chuyến đi đầy thú vị với tên gọi là “the rope courses”, khi mà mọi người phải tự thử thách bản thân bằng cách vượt qua một sợi dây thừng mỏng manh bắt giữa hai cây cổ thụ cao vời vợi. Nghe có vẻ kì cục, nhưng đó là lần đầu tiên tôi thật sự dốc hết tâm huyết để làm một việc gì đó.
Tôi và cô bạn của mình bị cột với nhau bằng một sợi dây và cô ấy đứng ở dưới đất để giữ thăng bằng khi tôi đang cheo leo ở trên không. Mục đích là chúng tôi phải tin tưởng lẫn nhau để hoàn thành chuyến đi; nếu ai đó trong chúng tôi vì quá sợ hãi mà thả tay khỏi dây, người còn lại chắc chắn sẽ gặp rắc rối lớn. Đó là một công việc đòi hỏi sự phối hợp giữa giao tiếp và truyền cho nhau sự dũng cảm để hoàn thành mục đích lớn của mình.
Tôi đã học được một bài học rằng, nếu bạn tìm được một người tâm đầu ý hợp, hãy giữ họ bên mình và giúp đỡ nhau đi đến đích cuối cùng. Và khi đó bạn sẽ cảm nhận được cảm giác tuyệt vời chưa bao giờ có.
Không những vậy, tôi còn hiểu một cách sâu sắc rằng: Một người lãnh đạo tốt là người biết kết nối, lắng nghe, tạo cảm hứng với những người xung quanh nhưng trên hết phải là người có quyết định sáng suốt dựa trên lợi ích của số đông!
Có được quyền “quyết định đời mình” thật ra không vui như bạn nghĩ!
Tôi đã “tưởng” rằng sẽ rất hạnh phúc khi được ở xa bố mẹ dù chỉ trong một thời gian ngắn.
Tôi “sướng” điên người khi cuối cùng cũng được thức đến tận sáng, ăn bất cứ thứ gì tôi muốn mà không bị ai dọa sẽ béo phì. Sau khoảng ba bốn ngày sống trong tự do, tôi bắt đầu hoảng loạn vì đồ đạc bị thất lạc, quần áo thì bốc mùi và túi tiền bốc hơi sạch sẽ trên những nẻo đường đến nhà hàng. Nếu tôi ở nhà thì Mẹ đã nhắc nhở tôi dọn phòng, làm bài tập, làm công việc nhà và “giữ eo”. Điều này đã từng là “nỗi khổ”, nhưng giờ tôi nhận ra là tôi may mắn có một người luôn theo dõi, chăm lo tôi như Mẹ. Tôi nghiệm ra, tôi phải chuẩn bị cho tương lai ngay từ bây giờ vì tôi biết tôi sẽ trải qua những năm đại học mà không có sự chăm sóc, lo lắng của Mẹ và gia đình!


Thật là một "cơn ác mộng tuyệt vời" tại Berkeley!
SHARE

hoaduy

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image

0 nhận xét:

Đăng nhận xét