Đời sống học sinh
I. Hoạt động ngoại khóa
Đối với học sinh Trung học tại Mỹ, dù bạn thích hay không thì hoạt động ngoại khóa là một phần bắt buộc của cuộc sống học sinh. Các trường Trung học thường chú trọng vào việc phát triển toàn diện học sinh, vì thế nên mỗi buổi chiều, sau khi học xong, bạn thường sẽ phải tham gia vào một hoạt động ngoại khóa tự chọn trong vòng hai giờ đồng hồ. Dưới đây là một số hoạt động phổ biến:
1. Thể thao (Athletics)
Trong suốt thời gian học Trung học, các trường thường yêu cầu mỗi học sinh phải có ít nhất hai credits thể thao.
Một số môn thể thao mà hầu như trường nào cũng có bao gồm: bóng chuyền, bóng rổ, bóng bầu dục, bóng đá, chạy việt dã,…
Nếu bạn tham gia các câu lạc bộ thể thao thì khả năng việc bạn phải tham dự các cuộc thi (hay còn gọi là meet) là khá thường xuyên. Các cuộc thi có thể ở trong trường hay được tổ chức tại các trường khác.
2. Nghệ thuật (Arts)
Các trường thường mở các câu lạc bộ liên quan đến hoạt động nhạc kịch, sân khấu, múa hòa nhạc cho các học sinh có đam mê. Nếu bạn tham gia các câu lạc bộ này, bạn có khả năng sẽ được biểu diễn trước toàn trường vào các dịp quan trọng nào đó.
3. Hoạt động tình nguyện (Community Service)
Các hoạt động tình nguyện thường nhằm mục đích giúp đỡ cộng đồng địa phương. Các trường thường có những hoạt động tình nguyện khác nhau. Đây là những hoạt động rất bổ ích, giúp học sinh phát triển bản thân và phần nào đóng góp cho cộng đồng.
II. Quản lý tài chính
1. Chi phí cá nhân trong năm học
Chi phí học tại các trường Trung học tại Mỹ thay đổi tùy theo trường, và chi phí ăn ở và sinh hoạc sẽ tùy thuộc vào thành phố nơi bạn sống cũng như cách sinh hoạt của riêng bạn.
Chi phí dành cho học tập (sách vở, tiền học phí nộp cho trường,…) thường sẽ là khoản lớn nhất bạn phải đóng. Học phí của trường thì thường dao động từ $10,000 đến $60,000/năm và tiền sách vở thường sẽ rơi vào khoảng $1,000.
Chi phí ở thường phụ thuộc vào yếu tố cá nhân và thành phố nơi bạn sống. Học sinh thường hay chọn ở trong ký túc xá trường, và chi phí ở trong ký túc xá thường cao hơn so với chi phí thuê nhà ở ngoài. Nếu bạn ở ký túc xá, chi phí ăn ở sẽ được gộp làm một và thường dao động từ khoảng $30,000.
Khi ước lượng chi phí cho một năm học, ngoài tiền học phí và ăn ở, bạn nên tính cá chi phí dành cho cá nhân bạn khi đi chơi hay mua sắm.
2. Lập thẻ tín dụng
Khi đi du học, bạn nên có một thẻ tín dụng cho bản thân để phục vụ nhu cầu mua sắm hay trả phí trên mạng (tiền apply đại học, tiền gửi điểm,…). Khi bạn nhập học, một số trường sẽ giới thiệu bạn đến một ngân hàng nhất định nào đó mà trường quen biết. Tuy nhiên, thường những ngân hàng đó nhỏ và thẻ sẽ không thể sử dụng toàn nước Mỹ, gây bất lợi khi bạn lên học đại học và có thể chuyển đi sống ở thành phố khác. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên làm riêng cho mình một thẻ tín dụng ở những ngân hàng lớn như Citibank hay Bank of America.
Có hai loại thẻ hay dùng là debit card và credit card. Thẻ debit có nghĩa là trong tài khoản mình có bao nhiêu tiền thì mình dùng bấy nhiêu. Còn thẻ credit card là bạn dùng rồi sẽ thanh toán cho ngân hàng sau. Thường thì học sinh hay chọn debit card hơn vì nó tiện và mình cũng không có mối quan hệ nào quá ràng buộc với ngân hàng.
(Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về thẻ tin dụng tại bài viết cùng chủ đề ở mục Đại học tại đây)
3. Cơ hội làm việc trong trường của học sinh quốc tế
Thường thì học sinh Trung học tại Mỹ không được phép làm việc trong trường. Cơ hội làm việc bắt đầu mở ra khi lên đại học.
III. Các dạng văn phòng trong trường
1. Nhà ăn (Dining hall)
Đây là nơi cung cấp bữa ăn hàng ngày cho học sinh và cả giáo viên. Dining hall của mỗi trường sẽ phục vụ những món ăn khác nhau, nhưng có một số món khá phổ biến mà đến Dining hall nào bạn cũng thấy: Salad, pizza, fried chicken, và mỳ Ý. Ngoài ra, Dining hall phục phụ theo kiểu tự chọn, và thức ăn cũng khá phong phú, phục vụ đủ nhu cầu của mọi người, kể cả những ai bị dị ứng hoặc chỉ ăn chay.
2. Văn phòng tư vấn đại học (College Counseling)
Đây là nơi bạn được tư vấn về đại học, nghề nghiệp tương lai của bản thân. Thường thì sẽ có thầy cô tư vấn (counselor) giúp bạn trong quá trình làm đơn học đại học. Các thầy cô tư vấn sẽ theo dõi quá trình bạn nộp đơn, xem xét xem hồ sơ bạn thiếu gì hay bạn cần gì, giúp bạn gửi điểm đến các trường và viết thư giới thiệu cho bạn.
3. Thư viện trường (Library)
Các trường thường có thư viện online lẫn sách bạn có thể mượn trong một thời gian nào đó. Nếu bạn làm mất sách hay trễ hẹn, bạn sẽ phải đóng một khoản phí nhất định.
4. Tòa nhà giảng dạy (Academic Buildings)
Trong tòa nhà giảng dạy là các lớp học cho học sinh. Mỗi thầy cô thường có một lớp học riêng của họ và lớp học đó sẽ được cố định là môn nào. Các phòng học thường được trang bị bảng viết, máy tính, máy chiếu, và những công cụ cần thiết cho việc giảng dạy của giáo viên.
5. Hiệu sách (Bookstore)
Đây là nơi bán sách tham khảo hay những sách mà giáo viên bạn yêu cầu. Bạn có thể mua sách mới, thuê sách hoặc mua sách cũ. Một số trường hiệu sách còn bán cả những đồ dùng và trang thiết bị phục vụ cho học tập.
6. Văn phòng tuyển sinh (Admission Building)
Đây là văn phòng phụ trách việc tuyển sinh. Các học sinh khi gửi đơn nhập học thường phải liên hệ với văn phòng này.
7. Trung tâm sức khỏe (Health Centre)
Đây là nơi học sinh đến khi gặp phải vấn đề gì đó về sức khỏe ví dụ như cảm sốt, đau bụng, bong gân, chấn thương chân, tay nhẹ,… Còn nếu bạn gặp phải vấn đề về sức khỏe nặng hơn thì trung tâm sức khỏe của trường sẽ liên hệ với bệnh viên hoặc gia đình bạn. Trung tâm sức khỏe của trường cũng thường hay có mở đợt đăng ký cho tiêm chủng các dịch cảm sốt. Nếu thấy cần thiết, bố mẹ bạn sẽ phải điền đơn và nộp cho Trung tâm sức khỏe của trường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét