Kỳ 1: Nền giáo dục thiên đường

Tháng 5-2015, phóng viên Tuổi Trẻ cùng đoàn nhà báo quốc tế, chủ yếu là từ các quốc gia đang phát triển, được mời tham dự chuyến tìm hiểu thực tế về mô hình giáo dục của Phần Lan, đất nước được ví là cái nôi của “nền giáo dục thiên đường”.

Học sinh tại Trường Viikki - Ảnh: Quỳnh Trung
Học sinh tại Trường Viikki - Ảnh: Quỳnh Trung
Những bức vẽ của học sinh được treo trên tường tại Trường Viikki - Ảnh: Quỳnh Trung
Những bức vẽ của học sinh được treo trên tường tại Trường Viikki - Ảnh: Quỳnh Trung
Những bức vẽ của học sinh được treo trên tường tại Trường Viikki - Ảnh: Quỳnh Trung
Những bức vẽ của học sinh được treo trên tường tại Trường Viikki - Ảnh: Quỳnh Trung
Học sinh ăn trưa tại Trường Viikki - Ảnh: Quỳnh Trung
Học sinh ăn trưa tại Trường Viikki - Ảnh: Quỳnh Trung
Cách nói “nền giáo dục thiên đường” hoàn toàn không là một sự ví von quá khoa trương hay không tưởng bởi lẽ nền giáo dục Phần Lan có những ưu điểm rất đỗi tuyệt vời, khiến đa số mọi người chứ không riêng gì các nhà làm giáo dục mơ ước.
Ở Phần Lan, giáo dục ở mọi cấp độ hoàn toàn miễn phí cho người dân và sinh viên nước ngoài, nghề giáo đứng đầu trong số những nghề nghiệp được mọi người khao khát theo đuổi nhất.
Về phương diện cơ sở vật chất, các trường học được trang bị rất đầy đủ và hiện đại. Về phương thức giáo dục, nhà trường được sự ủng hộ tuyệt đối của chính phủ, các đảng phái chính trị luôn có sự đồng thuận và nhất trí trong các phương hướng cải cách giáo dục.
Trên thực tế, những ưu điểm này có thể được kiểm chứng bằng sự thật là các sinh viên Phần Lan luôn đạt điểm tốp đầu ở môn toán, khoa học và đọc hiểu trong khảo sát PISA (Chương trình đánh giá năng lực học sinh quốc tế) và việc các bảng đánh giá giáo dục toàn cầu khác.
Bà Anita Lehikoinen, bộ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và văn hóa, kể với nhóm nhà báo chúng tôi rằng ngày xưa Phần Lan là quốc gia rất nghèo, thiệt hại nặng nề trong chiến tranh. Những năm 1960, Phần Lan cố gắng thoát nghèo bằng cách đầu tư mạnh cho giáo dục.
Hiện nay Phần Lan là một trong những nền kinh tế phát triển nhất ở khu vực Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung. Trong năm 2014, GDP ước tính là 276 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người là 50.450 USD.
Theo bà Anita Lehikoinen, một nghiên cứu thực tế cho thấy ¾ dân số Phần Lan tin tưởng rằng một hệ thống giáo dục toàn diện tạo ra nền tảng của sự thịnh vượng.
Khám phá trường học
Ngày đầu tiên đoàn chúng tôi đến thăm Trường Viikki Teaching Training School ở thủ đô Helsinki. Ngôi trường này có khoảng 890 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 9. Phần Lan rất chú trọng đầu tư vào giáo dục, khoảng 6-7% GDP cho giáo dục. Do đó không có gì lạ khi các cơ sở vật chất trường học ở Phần Lan rất tốt và hiện đại.
Lúc chúng tôi đến, các em học sinh của trường đang tụ tập về hội trường để nghe và tìm hiểu về ban nhạc Rolling Stones. Cô Tea Vuorinen, giáo viên dạy lớp 7 của trường, cho biết thường mỗi buổi sáng các học sinh dành 30 phút ở hội trường để nghe và tìm hiểu về các chủ đề nghệ thuật như phim, ảnh, âm nhạc.
Trường Viikki rất hiện đại, sạch sẽ và sáng sủa. Các sản phẩm nghệ thuật của học sinh như các bức tranh vẽ siêu anh hùng được dán đầy khắp nơi trên tường ở khắp tòa nhà. Các mô hình chim thú được đặt trong các tủ kính, trưng bày ở các hành lang. Trong thư viện có những bức tượng của những đại thi hào, sách vở nhiều thể loại được sắp xếp ngăn nắp.
Trong các phòng học và dọc hành lang có những tủ và móc áo để học sinh treo áo khoác và cặp táp. Mỗi lớp học ở Trường Viikki Teaching Training School rất thưa học sinh, chỉ khoảng 20 học sinh. Học sinh ở một số lớp sử dụng iPad trong lớp học nhưng một số lớp khác thì không.
Giáo viên luôn theo sát hỗ trợ và dạy bảo học sinh. Khi chúng tôi bày tỏ ý định chụp hình lớp học và các em học sinh, một cô giáo tại Trường Viikki rất thoải mái cho phép nhưng đồng thời nhắc khẽ chúng tôi rằng tránh chụp hình một em học sinh mặc áo khoác màu xanh ngồi góc lớp. Sau đó chúng tôi mới biết cậu học sinh này bị mắc chứng tự kỷ và nhận được sự chăm sóc đặc biệt.
Bữa trưa, học sinh tiểu học và trung học hoặc trường nghề sẽ được cung cấp một bữa ăn miễn phí và bổ dưỡng bao gồm xà lách, khoai tây, sữa và bánh mì. Ở Trường Viikki Teaching Training School, sau khi ăn trưa các em tự động xếp hàng lấy thức ăn rồi ngồi ngăn nắp trên các bàn ăn sạch sẽ.
Tôi tình cờ thấy một hình ảnh rất ấn tượng, có một cậu bé tầm lớp 1 hoặc lớp 2, sau khi ăn xong thì tự động đổ thức ăn thừa vào sọt rác dành riêng, rồi sau đó đưa khay thức ăn đã dùng cho một nhân viên phụ trách rửa chén.
Văn hóa niềm tin
Có một câu ngạn ngữ cổ nói về người Phần Lan như sau: “Phần Lan là một gã khổng lồ nhìn người bằng cặp mắt ngây thơ”. Câu nói này hàm ý người Phần Lan có văn hóa tin người và họ cũng áp dụng văn hóa này vào trong hệ thống giáo dục của mình.
Nhà trường không áp đặt thành tích điểm số, xếp loại hay thi đua khen thưởng lên giáo viên và học sinh. Mục tiêu tối thượng của họ là làm cho học sinh cảm thấy vui, hạnh phúc và tự tin khi các em thành công cũng như khi các em thất bại.
Bà Petra Packalen, cán bộ Hội đồng giáo dục quốc gia Phần Lan, nói với nhóm nhà báo chúng tôi rằng sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục Phần Lan và các nước phương Tây khác chính là trong khi hệ thống giáo dục phương Tây dựa vào “việc đánh giá kết quả bằng cách kiểm tra” thì hệ thống giáo dục Phần Lan dựa vào “văn hóa đặt niềm tin vào chuyên môn của nhà giáo và hiệu trưởng trong việc phán đoán cái gì là tốt nhất cho học sinh”.
Giáo viên được tự do thể hiện giáo trình. Họ tự quyết định phương pháp giảng dạy và sử dụng sách giáo khoa, tài liệu phù hợp. Quy định thanh tra trường học được bãi bỏ vào năm 1990 và cũng không có đánh giá nội bộ giáo viên. Ngoài ra, hệ thống giáo dục Phần Lan chính là ít có sự đánh giá và hoàn toàn không có sự cạnh tranh. Cụ thể là không có đánh giá kết quả quốc gia hằng năm, chỉ có đánh giá trúng tuyển vào đại học và đánh giá các môn học chỉ diễn ra mỗi vài năm.
QUỲNH TRUNG
 * Trích sách Giáo dục Việt Nam và Phần Lan xuất bản năm 2015 của tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung.
Hiệu trưởng Trường Oulu, Phần Lan: Giáo viên có quyền trong lớp, hiệu trường không phải là cảnh sát
Tôi có thể đến lớp để xem giáo viên dạy như thế nào nếu cha mẹ học sinh không hài lòng nhưng tôi sẽ không phán xét gì cả, tôi tin tưởng vào giáo viên của tôi. Ngoài ra tôi không bao giờ hành xử như một người cảnh sát, không bao giờ. Giáo viên ở Phần Lan có quyền tự do rất cao trong cách họ dạy trên lớp của mình. Họ được tự chủ trong lớp học.
Trong mỗi bản thân, cô giáo hay thầy giáo đều biết được phải dạy như thế nào. Mọi người phải khác nhau, không người nào giống người nào nhưng chúng tôi có cùng luật lệ và trách nhiệm. Một giáo viên phải theo sát hệ thống, kế hoạch. Anh ấy hay cô ấy có thể sử dụng sách giáo khoa và cũng có thể không.
Tôi không can thiệp vào. Đó là một đặc điểm trong hệ thống giáo dục của Phần Lan, giáo viên có toàn quyền trong lớp của họ. Những gì họ dạy vẫn nằm trong chương trình nhưng giáo viên có thể quyết định cách mình truyền đạt.
       Biểu đồ từ trái qua:        Xếp hạng giáo dục và các chỉ số liên quan; Vốn con người - Chỉ số sáng tạo toàn cầu 2013 (nguồn trường kinh doanh INSEED); Giáo dục đại học và đào tạo - Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 (Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF); Giáo dục tiểu học – Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 (Nguồn: WEF); Chỉ số sẵn sàng kết nối 2013 (Nguồn: INSEED và WEF); Nguồn nhân lực (Đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo 2014)        Nguồn dữ liệu lấy từ Bộ Giáo dục và văn hóa Phần Lan
Biểu đồ từ trái qua:
Xếp hạng giáo dục và các chỉ số liên quan; Vốn con người - Chỉ số sáng tạo toàn cầu 2013 (nguồn trường kinh doanh INSEED); Giáo dục đại học và đào tạo - Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 (Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF); Giáo dục tiểu học – Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 (Nguồn: WEF); Chỉ số sẵn sàng kết nối 2013 (Nguồn: INSEED và WEF); Nguồn nhân lực (Đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo 2014)
Nguồn dữ liệu lấy từ Bộ Giáo dục và văn hóa Phần Lan
SHARE

hoaduy

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image

0 nhận xét:

Đăng nhận xét