giành học bổng ĐH Mỹ: “Đi du học như tìm… người yêu”

“Đi du học Mỹ cũng giống như kiếm người yêu. Mình phải hợp người đó và người đó phải hợp mình thì mới có cơ hội thành đôi được. Đâu cứ phải “cô” nào đẹp, điểm GPA và SAT ngút trời là “anh chàng” ĐH nào cũng “nhận”. Mà cũng đâu phải cứ làm tình nguyện tràn lan thì trường sẽ thích…” 
“Đi du học giống như tìm người yêu”
Đó là những chia sẻ chân thành của Nguyễn Bảo Trường Anh, cô sinh viên năm cuối trường Đại học Adelphi, Mỹ về trải nghiệm du học Mỹ của mình.
Tốt nghiệp THPT Chuyên Lê Hồng Phong TPHCM, cô gái Sài Gòn cũng băn khoăn với chuyện ở lại học đại học trong nước hay xin học bổng du học như nhiều bạn trẻ.
 Không sở hữu bảng thành tích quá khủng hay kết quả thi tiếng Anh ấn tượng, Trường Anh lại biết cách chinh phục học bổng ĐH tại Mỹ theo cách riêng của mình.
Không sở hữu bảng thành tích quá khủng hay kết quả thi tiếng Anh ấn tượng, Trường Anh lại biết cách chinh phục học bổng ĐH tại Mỹ theo cách riêng của mình.
Thích vẽ sơn dầu và khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau cùng lúc, Nguyễn Bảo Trường Anh không nghĩ mình có thể học đại học về mỹ thuật và kinh tế cùng lúc ở Việt Nam. Còn du học? Cô nghĩ mình “đâu có giỏi, điểm cũng chẳng hề cao”.
“Quy ra thang điểm của Mỹ thì mình đạt tầm 3.3/4, SAT thì khoảng 1800/2400, iBT thì khoảng 95/120. Tại thời điểm đó, những con số trên nghe có vẻ… thất bại vì bạn mình ai cũng gần 4 chấm, SAT gần 2300.
Lúc đó đã tự hoài nghi bản thân rất nhiều. Mỗi lần đi thi lại SAT về là ba bảo “Kì này tốn tiền thi tiếp nữa rồi con nhỉ?” hay bạn bè cho chép bài mỗi khi không thuộc nổi mấy bài thơ 90 câu văn học 12 để trả bài miệng, mình thấy mình rất may mắn theo một cách khác”, Trường Anh chia sẻ.
Tự nhận “gia tài” nộp đơn có điểm bèo bọt so với chúng bạn, nhưng cô gái Sài Gòn cũng có những “bí quyết” để ghi điểm với hội đồng tuyển sinh trường ĐH Mỹ.
Trường Anh rất tâm đắc câu nói “Khi giấc mơ sụp đổ, bạn làm gì mà chẳng được”, vậy thì khi điểm số không được “long lanh” như mơ, tại sao chúng ta không làm gì khác đi, tìm một cách mới hơn, hay đúng hơn là “làm gì mà chẳng được” và sau cuối, bạn sẽ không phải hối hận vì đã “ngồi im”.
 Trường Anh tận dụng thời gian sinh viên đi nhiều nước như Mỹ, Pháp, Ý…
Trường Anh tận dụng thời gian sinh viên đi nhiều nước như Mỹ, Pháp, Ý…
“Bù lại, mình có art portfolio tranh sơn dầu tự vẽ, bài luận và một video clip. Mình thích vẽ nên bài luận của mình miêu tả 3 bức tranh trừu tượng, và lồng ghép trong đó là lời giải mã những biến cố của cuộc đời mình sau những bức tranh ấy.
Video clip của mình dựng nên câu chuyện của một con chim có thể bay nhưng không thích bay vì nó yêu mến cuộc sống mặt đất phong phú hơn. Không phải có cánh là phải thích bay lượn. Không phải sinh ra là phải làm theo định kiến và mong đợi của người khác. Cái cốt lõi là phải hiểu bản thân muốn gì”, cô kể.
Và cuối cùng, cô nàng đã giành học bổng 60% học phí du học Mỹ chuyên ngành chính Kinh tế và chuyên ngành phụ Mỹ thuật tại trường Đại học Adelphi - Ngôi trường được tạp chí Princeton Review công nhận là trường tốt nhất tại vùng Đông Bắc nước Mỹ.
Học bổng bao gồm nhiều gói khác nhau đến từ khoa Kinh tế và từ quỹ dành cho những sinh viên đam mê ngoại khoá, nghệ thuật của trường.
Trường Anh cho hay: “Riêng trường mình đang học thì chỉ cần nộp đơn và trường thấy mình thoả mãn được điều kiện học bổng nào sẽ tự rót vào.
Đi du học Mỹ cũng giống như kiếm người yêu. Mình phải hợp người đó và người đó phải hợp mình thì mới có cơ hội thành đôi được. Đâu cứ phải “cô” nào đẹp, điểm GPA và SAT ngút trời là “anh chàng” ĐH nào cũng “nhận”... mà cũng đâu phải cứ làm tình nguyện tràn lan thì trường sẽ thích…
Mình chỉ mong em trai mình sau này đừng phải học cực như mình nữa. Em mê đá bóng, mê vẽ, mê chơi cờ. Nếu em không thích hợp ở môi trường “gồng gánh” các môn tự nhiên lẫn chẳng có “đất” cho em thể hiện tài năng của mình thì ba mẹ đừng ép em phải cố học mù quáng để vào bằng được trường top”, cô chia sẻ.
“Chưa có dự định cho tương lai”
Hiện Trường Anh là thành viên của Beta Gamma Sigma, Hội danh dự của các sinh viên kinh tế ưu tú của trường ĐH trong hệ thống AACSB trên toàn thế giới.
“Mình được tạo điều kiện đi trao đổi ở châu Úc đến 2 lần. Học bổng vẫn như cũ, đóng tiền cho trường ở Mỹ và đi học ở nơi khác. Mình đi Paris học kinh tế và đi Ý học sơn dầu. Tất cả các tín chỉ mình học đều được tính vào trường bên Mỹ luôn.
Tính toán cũng “nát óc” để sắp xếp lớp cho kịp tốt nghiệp và may mắn là được cho đi vì lúc trước sinh viên quốc tế tại trường mình không có nhiều sự lựa chọn để đi trao đổi.
Ngoài việc học ra thì mình đi kiếm thực tập. Từ năm 2, năm 3 đã phải “lăn xả” đi làm để còn cạnh tranh với các sinh viên quốc tế và sinh viên bản xứ khác. Sau khi đã “qua ải” có học bổng được rồi là đến ải kiếm việc làm. Và cái ải này nó còn cạnh tranh hơn. Lúc nào cũng không được ngừng nghỉ”, Trường Anh tâm sự.
Cô cũng là đồng trưởng Ban tổ chức hội thảo nghề nghiệp VietAbroader 2015 cho hơn 200 bạn sinh viên ưu tú; có cơ hội tiếp xúc với 40 diễn giả, cố vấn và hơn 30 công ty uy tín trong các lĩnh vực nghề nghiệp từ tài chính, marketing, nhân sự đến chuỗi cung ứng, công nghệ và kỹ thuật…
Hiện, Trường Anh đang gây dựng dự án cá nhân khắc họa chân dung người Việt trẻ dưới hình thức video phỏng vấn độc thoại mang tính sáng tạo và truyền cảm hứng do chính mình sáng lập.
“Tiền, logic và những tính toán nhiều khi nó cũng làm mình mệt mỏi và nghệ thuật cho mình một cái nhìn mới mẻ hơn về sự vật, sự việc. Và thế là dự án ra đời thôi. Kết hợp những gì mình có, những bạn bè tài năng mà mình biết với câu chuyện riêng của họ rất đáng để biết đến và đồng cảm.
Vì mình thấy những câu chuyện thành đạt được viết rất nhiều nhưng đằng sau đó, người ta quỵ ngã ra sao, va vấp như thế nào thì không được nhắc đến trong khi đó mới là thứ giá trị nhất cho người đọc”, Trường Anh chia sẻ về dự án của mình.
 Cô nàng góp mặt trong VietAbroader với vai trò Đồng Trưởng ban tổ chức.
Cô nàng góp mặt trong VietAbroader với vai trò Đồng Trưởng ban tổ chức.
Nói về dự định tương lai, cô nàng bộc bạch: “Khi mình nói mình chưa có dự định cụ thể cho tương lai thì điều đó như là cú “sét đánh” cho các bậc phụ huynh.
Có lẽ, phạm trù ước mơ của thế hệ mình nó đã khác đi rất nhiều so với thời bố mẹ. Phần lớn trăn trở của mình là làm gì có ích cho xã hội, được đi đây đi đó khám phá và được làm điều mình muốn không màng tiền bạc.
Mình vẫn mơ ước kinh doanh nghệ thuật, có một quỹ học bổng cho những trẻ em khuyết tật và dùng nghệ thuật để giúp chúng phát triển những giác quan và kĩ năng sống. Nhưng dù sao, vẫn phải có tiền để nuôi những ước mơ đó.
Nên sau tốt nghiệp, dự định đơn giản nhất là có việc làm. Ở đâu cũng được, mình không kén cơ hội”.​
Theo Dân Trí
SHARE

hoaduy

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image

0 nhận xét:

Đăng nhận xét