Với bạn, du học là cả một giấc mơ, nhưng bạn chưa có điểm GPA đủ cao, vốn tiếng Anh còn hạn chế hay chưa có bề dày thành tích hoạt động ngoại khóa? Vậy làm sao để hồ sơ của mình được nổi bật?
Làm sao khi vốn tiếng Anh hạn chế?
Với vấn đề tiếng Anh, đây là yếu tố hết sức quan trọng vì nếu điểm tiếng Anh hay cụ thể là điểm các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL không đạt thì cơ hội để bạn được nhận dường như là con số 0. Do vậy, nếu bạn đang gặp vấn đề về tiếng Anh thì cách duy nhất là chăm chỉ, miệt mài “cày” môn này.
Còn một cách khác nữa đó là các bạn tìm các chương trình có “Conditional Admission” (Nhập học có điều kiện), tức là bạn sẽ được nhận vào trường nhưng với điều kiện bạn phải đến trường sớm hơn thời gian nhập học chính thức để hoàn thành một khóa học tiếng Anh đầu vào do trường tổ chức. Tuy nhiên, điểm bất cập ở đây là chi phí khá đắt đỏ, từ 10.000 - 15.000 USD mỗi học kỳ nên các bạn nên cân nhắc xem mình có điều kiện hay không.
Hãy trau dồi vốn tiếng Anh của bạn.
Nỗi ám ảnh bài luận (essay) và Resume
Nếu điểm GPA hay SAT hay là các hoạt động xã hội của bạn chưa thực sự tốt thì các bạn nên chuẩn bị thật tốt Resume và bài luận của mình. Có một điều cần lưu ý là các trường ở Mỹ rất coi trọng vấn đề tỷ lệ sinh viên chắc chắn nhập học tại trường nếu được nhận vì đây cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu để các trường cạnh tranh xếp hạng với nhau.
Các trường thường có một hạn ngạch nhất định trong khi tuyển chọn hồ sơ để đảm bảo rằng những hồ sơ đã được nhận vào thì gần như sẽ chắc chắn nhập học. Vì vậy, nếu hồ sơ của bạn chưa được “sáng” lắm về thành tích nhưng bạn thể hiện được sự chắc chắn, sáng tạo hay thú vị qua bài Essay và Resume thì cơ hội được chọn vẫn có thể cao vì bạn đã tạo được sự tin tưởng cho bên tuyển chọn rằng bạn sẽ chắc chắn nhập học nếu được chọn.
Hãy quan tâm tới bài luận và Resume của bạn.
Vì thế, các bạn phải nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về các trường, ngành học của mình cũng như tìm tòi, học hỏi và sáng tạo cách để làm bài luận, viết Resume. Để hỗ trợ cho việc này, các bạn đừng quên liên hệ các cựu sinh viên trường, họ đã từng trải qua, có khi còn là chuyên gia, tư vấn viên trong lĩnh vực này, bạn sẽ học hỏi được kha khá kinh nghiệm tuyệt vời đấy!
Một số điểm cần lưu ý khi viết bài luận
Chia sẻ mục đích của bạn. Các bên xét tuyển mong muốn nhìn thấy tiềm năng của bạn, vì vậy, họ cần thấy được kế hoạch rõ ràng của bạn, mục đích của bạn là gì khi đăng ký học ở trường họ.
Hãy cố gắng kết nối những mục đích của bạn với ngành học mà bạn đang xin học và chứng minh cho họ thấy bạn sẽ học tốt cũng như có thể thành công với lĩnh vực bạn chọn.
Chia sẻ nhiệt tình kinh nghiệm của bạn trong bài luận, giám khảo muốn nhìn ra liệu bạn đã có những kinh nghiệm gì trong cuộc sống để hỗ trợ, tạo dựng nên mục tiêu của bạn cũng như quyết tâm, khát khao và cả những chuẩn bị của bạn cho mục tiêu đó như thế nào để đánh giá được tiềm năng của bạn.
Hãy biến bài luận thành một câu chuyện hấp dẫn. Bài luận không phải là liệt kê hay khai trình lý lịch của bạn. Đó là cách bạn tái hiện lại mọi thứ một cách logic và thuyết phục. Đừng chỉ kể không thôi những kinh nghiệm cuộc sống mà hãy làm nó trở thành một câu chuyện có diễn biến thú vị. Chẳng hạn như: Điều gì dẫn bạn tới việc lựa chọn mục tiêu như vậy? Điều gì làm bạn quan tâm tới những mục tiêu đó? Bạn có điểm gì nổi trội và nhờ kinh nghiệm gì mà có nó? Những thách thức gì mà bạn gặp phải và đã vượt qua nó như thế nào hay đã chuẩn bị để vượt qua nó như thế nào?
Cuối cùng, hãy sắp xếp bài luận của mình thật logic để tạo lối mạch lạc và thu hút cho người đọc.
Làm sao để kinh nghiệm tham gia hoạt động xã hội được phong phú?
Hãy tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ cộng đồng hoặc các hoạt động ngoại khóa nơi mà bạn có thể thể hiện hoặc phát triển được khả năng của mình. Ban giám khảo luôn đánh giá rất cao những đóng góp xã hội của thí sinh, vì vậy việc tham gia nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng là một điểm cộng rất lớn đối với hồ sơ của bạn.
Tích cực tham gia các hoạt động đóng góp cho cộng đồng.
Chọn người giới thiệu biết rõ về mình
Nếu bạn có thư giới thiệu từ một doanh nhân nổi tiếng sẽ tạo được ấn tượng nhưng nếu người đó không biết gì về bạn thì cũng không kém phần nguy hiểm. Lời khuyên tốt nhất cho các ứng viên là hãy tìm đến những người biết bạn là ai, đã hợp tác với bạn ít nhất một năm và có thể chỉ ra những điểm mạnh giúp bạn nổi bật trong hàng nghìn bộ hồ sơ.
Hãy chọn người giới thiệu biết rõ về mình.
Cuối cùng, hãy luôn bình tĩnh, tự tin vào quyết định cũng như mọi thứ chuẩn bị của mình và luôn mỉm cười, thân thiện khi phỏng vấn. Chúc các bạn thành công trên con đường du học của mình.
Theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét