Kể từ khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, học sinh phải đến trường học trước khi khai giảng 2-3 tuần. Chính vì lẽ đó mà ngày khai giảng không còn được chờ đợi và háo hức như trước.
Cô giáo Phan Tuyết băn khoăn tự hỏi, ngày khai giảng là ngày đầu tiên của năm học mới hay ngày toàn dân đưa trẻ tới trường như sách giáo khoa đã giải thích có còn hợp lý?
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Vào ngày khai giảng hàng năm, sau những nghi lễ cần thiết của buổi lễ, thầy cô giáo và học sinh toàn trường háo hức chờ đợi giây phút được xem là ấn tượng và xúc động nhất, đó là màn chào đón học sinh đầu cấp đầy xúc động và đong đầy những cảm xúc.
Khi tiếng nhạc bài hát “Ngày đầu tiên đi học” vang lên, từ ban giám hiệu, thầy cô giáo đều ra cổng dắt tay học sinh lớp 1 vào sân trường trong tiếng hát, tiếng vỗ tay, cờ và hoa của học sinh các khối thi nhau vẫy chào.
Ngày khai giảng, học sinh mệt mỏi (Ảnh minh họa của Xuân Trung)
Những cô cậu bé được mẹ dắt tới trường, bẽn lẽn, rụt rè như những chú chim non còn e ấp, nép sát bên người thân không muốn rời, có em mắt còn ậc nước.
Những bàn chân bé nhỏ líu ríu đi sau cô giáo, bỗng bàng hoàng trước một khung cảnh đầy ấn tượng, tràn ngập yêu thương như thế. Có lẽ đây sẽ là kỉ niệm đẹp và đậm sâu trong trí nhớ của các em.
Với học sinh lớp 6 và lớp 10, được đến một môi trường học tập lớn hơn, cảm giác run sợ, rụt rè đầy bỡ ngỡ nhanh chóng qua đi khi niềm vui vỡ òa bởi một khung cảnh nhộn nhịp cờ hoa, sự chào đón đầy ân tình của thầy cô giáo và các anh chị lớp trên.
Vài năm trở lại đây, học sinh mới và cũ đến trường học bình thường sau khoảng 2 tuần xong mới vào lễ khai giảng. Trước buổi lễ, ngày nào các em cũng được tập đi tập lại cách vỗ tay, đi đứng, từng lời nói, lời chúc…
Mặc cho cách tổ chức buổi lễ cũng không kém phần trang trọng, mặc cho lời bài hát vang lên thật da diết, ngọt ngào “Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường/ Em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương/ Ngày đầu tiên đi học, em mắt ướt nhạt nhòa/ Cô vỗ về an ủi, chao ôi…sao thiết tha”.
Học sinh cũng thấy dửng dưng vì mình đã quá quen với cảnh ấy rồi làm gì còn “mắt ướt nhạt nhòa” để “cô vỗ về an ủi”. Thầy cô giáo cũng dửng dưng vì thấy mình đang diễn lại một vở kịch đã được tập nhiều lần.
Học sinh lớp 6, lớp 10 cũng được nhà trường tổ chức chào đón theo cảnh học sinh đầu cấp như ở tiểu học chỉ khác không có lời bài hát “Ngày đầu tiên đi học vang lên”.
Sau màn giới thiệu thật long trọng, thầy cô giáo cũng đón các em từ đầu cổng, cử đại diện khối lớp 9 và 12 lên tặng hoa, gửi gắm lời chúc, lời dặn dò.
Để lễ khai giảng thật sự là ngày hội của các em thì phần lễ chỉ nên rút gọn trong vòng vài phút.
Học sinh đón nhận trong sự hửng hờ vì các em đã học trước 2 tuần và ngày nào cũng ra sân tập dợt.
Nhiều em thắc mắc: “Tụi con vào học cả nửa tháng rồi mà hôm nay lại được ra cổng đón vào cũng thấy kì kì thế nào”. Có em nói thẳng: “Con thấy cũng không thật, tại sao cứ phải làm thế”…
Có thầy cô áy náy, băn khoăn và day dứt khi mình luôn dạy các em tính trung thực nhưng bài học đầu tiên các em được học tại ngôi trường mới lại là lòng không trung thực như thế.
Thầy cô sẽ trả lời ra sao khi có học sinh hỏi: Ngày khai giảng là gì? Liệu thầy cô giải thích: Đó là ngày đầu tiên của năm học mới, hay ngày toàn dân đưa trẻ đến trường mà sách giáo khoa đã chú thích, liệu có còn hợp lý?
giaoduc.net.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét