Tại Mỹ, ngành luật giữ vai trò tối quan trọng trong lịch sử lập quốc và duy trì pháp luật để giữ gìn sự ổn định và cường thịnh của quốc gia. Tuy vị tổng thống đầu tiên Gorge Washington là người thành lập nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nhưng vị tổng thống thứ 16 Abraham Lincoln mới là người chấm dứt nội chiến, thống nhất liên bang, giải quyết khủng hoảng quân sự, kết thúc chế độ nô lệ, khôi phục tài chính và đặt nền móng cho một cường quốc số 1 toàn cầu. Cơ duyên đưa Lincoln từ một nông phu nghèo trở thành tổng thống là một cuốn sách luật trong giỏ tạp hóa cũ. Ông nhen nhóm niềm đam mê kỳ lạ với luật, tự học và dần dần trở thành một luật sự danh tiếng. Không riêng ông mà Hoa Kỳ có đến 16 tổng thống không tốt nghiệp luật nhưng đều đi lên từ ngành luật. Từ khởi thủy, quốc gia này đã vun bồi nên những nhân tài kiệt xuất trong ngành luật dù chưa qua trường lớp.
Nhắc đến đào tạo ngành luật thì không nơi nào qua được nước Mỹ. Hoa Kỳ chiếm đến 90% trong top 10 luật sư giàu nhất hành tinh, sở hữu 6/10 trường đại học luật hàng đầu thế giới và có đến 70% trong top 10 luật sư quyền năng nhất quả đất là luật sư Mỹ. Học luật sẽ giúp bạn mở ra nhiều cánh cửa nghề nghiệp. Bạn có thể chọn làm việc tại văn phòng pháp lý, hay phát triển sự nghiệp ở các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, kinh doanh và giáo dục. Lợi ích từ việc học luật là nhiều vô vàn nhưng con đường học vấn sẽ rất khó khăn và cô đơn. Do đó hãy chắn chắn rằng Luật sư thực sự là một ngành dành cho bạn.
1. Trường luật trong hệ thống giáo dục ở Mỹ
Tại Việt Nam, đại học luật được coi là trường đào tạo cử nhân bình thường như hầu hết các ngành khác. Sinh viên tham dự kì thi đại học để nhập học. Thời gian học tập là 4 năm. Tốt nghiệp các bạn được gọi là cử nhân luật.
Tại các nước thông luật (common law), bao gồm Mỹ, trường luật được xếp vào nôm na là trường dạy nghề (professional school). Sinh viên luật được dạy rất nhiều môn kĩ năng mang tính thực tiễn (ví dụ như legal research, legal writing, negotiation, contract drafting, trial tactic,..). Thậm chí có khả năng ứng dụng để làm việc ngay khi đang học. Để được chấp nhận vào chương trình JD, ứng viên bắt buộc đã hoàn thành một bằng cử nhân đại học và có điểm thi LSAT (Law School Admission Test). Thời gian học là 3 năm. Tốt nghiệp các bạn được gọi là Juris Doctor (J.D.).
Có nhiều ý kiến xung quanh việc hệ thống giáo dục nào tốt hơn. Ở Việt Nam không yêu cầu luật là chuyên ngành 2 thì sinh viên tiết kiệm được 4 năm học. Ở Mỹ thì những người hành nghề luật lại có background về những ngành khác. Ngoài ra, tuổi đời và kinh nghiệm làm việc khiến họ trưởng thành và thực tế hơn khi học luật. Mỗi hệ thống có điều hay dở riêng, quan trọng là bản thân tự biết mình hay dở thế nào để cố gắng hoàn thiện. Và ít ra với yêu cầu ở Mỹ, có thể chắc chắn rằng tất cả những người ngồi trong giảng đường trường luật hàng ngày đều thực sự muốn đi học. Họ học vì đam mê. Học vì động lực đồng tiền. Học vì khoản nợ học phí cả trăm nghìn đôla với chính phủ sẽ phải trả sau khi ra làm việc. Và khi giáo dục khiến người đi học thực sực muốn thu nhận kiến thức, thì đó đã là một thành công.
2. JD, LLM, SJD
Tại Việt Nam, có 3 bằng cấp về đào tạo luật là cử nhân luật (Bachelor of Laws – LL.B.), thạc sĩ luật (Master of Laws – LL.M.) và tiến sĩ luật (Doctor of Philosophy in Laws – PhD).
Tại Mỹ, các trường cũng cung cấp 3 bằng cấp về đào tạo luật gồm Juris Doctor (J.D.), Master of Laws (LL.M.), và Doctor of Juris Science (S.J.D). Thoạt nhìn có vẻ giống nhau nhưng thực chất lại khác biệt. JD có vẻ tương tự với LLB nhưng chương trình đào tạo cô đọng và có tập trung vào thực hành rất nhiều. Người muốn hành nghề luật tại Mỹ chỉ học JD là đủ, kể cả các giáo sư đại học phần lớn cũng chỉ có bằng JD. Trong khi đó, LLM và SJD là chương trình chỉ dành cho người nước ngoài đến Mỹ học tập. Điều này các bạn có thể thấy rõ trong phần giới thiệu về chương trình học trên website các trường. Ví dụ LLM là dành cho những người muốn tìm hiểu về pháp luật Mỹ. Hay SJD trong 3 năm là dành cho những người (scholars) muốn quay về đất nước của họ để nghiên cứu hoặc/và giảng dạy.
3. Tại sao sinh viên Mỹ học luật?
Khi nói chuyện với sinh viên luật người Mỹ, bạn sẽ ngạc nhiên vì có rất nhiều lí do:
– Ngành học cử nhân của họ ra không biết làm gì, quá khó để kiếm việc nên họ buộc học tiếp trường luật. Ví dụ phổ biến là các ngành political science, foreign relations, history, religion, women study, American literature,…
– Công việc hiện tại của họ không kiếm được nhiều tiền nên họ muốn làm luật sư. Một luật sư ở Mỹ có thể kiếm trung bình từ $60,000 đến $200,000 một năm. Tất nhiên có những trường hợp kiếm được hơn thế rất nhiều. Trong khi nhiều nghề chỉ kiếm được khoảng $30,000/năm. Tính sơ qua trong 1 tháng họ phải chi trả khá nhiều khoản tiền (thuê apartment $1,200 và các phụ phí gas, heat, water,… + phí ô tô đi lại $500 + tiền ăn + tiền bảo hiểm +…), chưa kể khi có con (mặc dù giáo dục công lập ở Mỹ đến cấp 3 là miễn phí nhưng học phí trường tư và đại học rất đắt đỏ). Như vậy, với một công việc nhàng nhàng, họ không thể có cuộc sống thoải mái.
– Muốn làm chính trị.
– Có ước mơ hành nghề luật. Có nhiều người đã có kế hoạch học luật ngay từ trước khi học cử nhân. Đây cũng là điều bình thường.
4. Tại sao sinh viên quốc tế học luật ở Mỹ?
Câu trả lời cũng rất đa dạng:
– Muốn tiếp tục học lên cao hơn và cần 1 nơi để đến, vậy thôi. Học xong đại học, tâm lý rất nhiều người là “cố nốt” lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ để tạo lợi thế xin việc về sau này. Chỉ cần tìm một nước để học. Và Mỹ, với diện tích một nửa Bắc Mỹ, đa dạng văn hóa, lối sống phóng khoáng tự do và ngành công nghiệp PR giáo dục khổng lồ luôn có vẻ hấp dẫn. Tất nhiên, Mỹ cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học rất tốt. Vậy là xách vali lên và đi thế thôi! Nếu bạn học SJD thì yên tâm là học xong sẽ xách vali đi về vì ở Mỹ 99,99% không ai thuê SJD làm công việc thực hành luật cả.
– Muốn tìm hiểu về hệ thống pháp luật Mỹ và có bằng luật của Mỹ để sau này thăng tiến trong công việc. Một luật sư người Trung Quốc mà có bằng thạc sĩ ở Mỹ thì cơ hội làm việc ở các công ty luật Mỹ có chi nhánh ở Trung Quốc của họ cao hơn. Thậm chí như vài người bạn cùng khóa tôi kể, khi làm việc ở Hong Kong, bằng luật ở Anh hoặc Mỹ đều rất có giá trị.
– Muốn ở lại Mỹ làm việc. Câu chuyện muôn thuở là trước tiên bạn phải được cư trú một cách hợp pháp đã. Còn gì dễ hơn là đi học? Có nhiều người tới Mỹ học LLM và tập trung cao độ chỉ để thi lấy bằng luật sư tại đây (bar exam). Sau đó họ extend visa F1 thành OPT (Optional Practical Training) trong vòng 1 năm để đi intern cho các công ty, hi vọng sẽ có nơi nhận và chịu tài trợ visa đi làm (H-1B).
Người không học JD tại Mỹ mà có bằng cử nhân luật ở nước ngoài chỉ có thể thi bar ở bang New York và California. Lưu ý là bạn nên kiểm tra xem mình có đủ điều kiện (eligible) hay không. Bar New York yêu cầu thí sinh học luật ở nước ngoài phải đã hoàn thành những yêu cầu đào tạo để có thể hành nghề luật ở nước đó (Rule 520.6 [b] [1]: “The foreign-educated applicant must have fulfilled the educational requirements for admission to the practice of law in a foreign country other than the United States.”). Điều này phụ thuộc vào hệ thống đào tạo luật từng nước. Ví dụ ở Trung Quốc, sinh viên hoàn thành 4 năm cử nhân luật là có thể thi bằng luật sư luôn. Nhưng ở Việt Nam, cử nhân luật còn phải hoàn thành chương trình đào tạo tại Học viện tư pháp rồi mới được thi. Như vậy có nhiều rủi ro New York Bar Association sẽ từ chối cử nhân luật Việt Nam mới tốt nghiệp tham gia thi. Và khi bị từ chối, bạn sẽ không được trả lại khoản phí $750 đã nộp.
– Muốn lấy bằng SJD để trở về nghiên cứu, giảng dạy tại nước họ.
– Muốn tranh thủ xây dựng networking với các giáo sư, luật sư tại Mỹ và trong khóa học cùng họ. Networking là một công việc tối quan trọng của người hành nghề luật. Bởi vậy, nhiều người tham gia khóa học hè hoặc thạc sĩ ở nước ngoài chỉ vì mục đích này.
– Các lí do đặc biệt:
Ở Thái Lan, 1 trong 3 con đường để tham dự kì thi tuyển thẩm phán là có 2 bằng thạc sĩ luật tại nước ngoài. Bởi vậy có rất nhiều người Thái tới Mỹ lấy 2 bằng thạc sĩ. Và cũng không có quy định nào hạn chế mỗi người chỉ được có 1 bằng thạc sĩ luật cả.
Nhiều người bạn Trung Quốc của tôi nói rằng họ học JD chỉ vì cho rằng JD là bằng cấp quan trọng nhất trong đào tạo luật, hoặc họ muốn trải nghiệm luật sư ở Mỹ được đào tạo thế nào. Điều oái oăm là mặc dù học JD, 99% trong số họ xác định sẽ quay trở về Trung Quốc làm việc. Phải công nhận chính sách một con đã thể hiện được mặt tích cực của nó khi con một không phải lo lắng nhiều đến vấn đề kinh tế nữa.
Chọn trường nào để học
Không thể phủ nhận rằng tầm quan trọng của việc chọn một ngôi trường phù hợp với bản thân bạn. Hãy tham khảo các bảng xếp hạng, đi tham quan campus của trường và nếu có thể, hãy trò chuyện với những sinh viên đang học tại đây hoặc các cựu học sinh để hiểu rõ hơn về ngôi trường tương lai của mình. Và tốt nhất hãy chọn những trường tọa lạc tại bang mà bạn dự tính sẽ làm việc sau khi tốt nghiệp.
Đây là danh sách các trường top về ngành Luật
1. Đại học Yale: Theo tạp chí Princeton, đạt điểm số xuất sắc: 176/180 trong lần thi tuyển không có nghĩa là vào được Yale. Hàng năm, chỉ có khoảng 200 tân sinh viên lách qua khe cửa hẹp của ngôi trường này.
Nhiều nhân vật tài danh đã từng là sinh viên của Yale: Cựu Tổng thống Bill Clinton, Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton, Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Clarence Thomas.
2. Đại học Harvard: Nhắc đến Harvard, chẳng ai có thể nghi ngờ độ “hóc” của ngôi trường này. Tuy nhiên, nhất của ngành Luật chưa phải là thứ hạng dành cho Harvard. Đương kim tổng thống Mỹ Barack Obama và đệ nhất phu nhânMichelle Obama từng tốt nghiệp trường này… Liệu có thể khái quát một thực tế rằng, học Luật dễ làm Tổng thống không nhỉ?
3. Đại học Stanford: “Giang hồ đồn thổi” đã là sinh viên Stanford đồng nghĩa là có một công việc trong mơ. Đây cũng là ngôi trường có cảnh quan đẹp nhất nước Mỹ, cơ sở vật chất hàng đầu. Tuy nhiên, để ghi danh mình vào bảng thành tích của trường, bạn cần tốt nghiệp trung học (GPA) 3.9 (gần 9.0 ở Việt Nam) và điểm thi đại học cũng vào loại ngất ngưởng…
Anh hùng thành danh của nước Mỹ tốt nghiệp trường này phải kể đến: Cựu Tư pháp Tòa án tối cao Sandra Day O’Connor, cựu Ngoại trưởng Warren Christopher, và Thượng nghị sĩ Jeff Bingaman.
4. Đại học Columbia: Cơ hội tưởng như mở ra vô tận khi bạn vào học ở ngôi trường này. Được làm việc ở những công ty luật lớn, lương cao và tiếp cận với quyền lực tuyệt đối, bạn còn mơ ước gì nữa? Tuy nhiên, có thể bạn sẽ vấp phải khó khăn không hề nhỏ khi điểm tốt nghiệp phổ thông của bạn phải 3.9 tức là xấp xỉ 9,0 ở Việt Nam. Ngoài ra, Columbia có tiếng là ăn chơi, trường của con nhà giàu.
Nơi đây đã từng cho ra lò những tên tuổi đình đám: Cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, con gái của cựu Tổng thống John F. Kennedy Caroline Kennedy, và nhà báo Cynthia McFadden.
5. Đại học Luật Chicago: Đây là ngôi trường đầu tiên ở Mỹ cấp bằng tiến sĩ ngành Luật. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Ramsey Clark, người sáng lập của Tập đoàn Carlyle David Rubenstein, người sáng lập TMZ.Com Harvey Levin đã từng trải qua thời sinh viên dưới mái trường này.
6. Đại học Luật New York: Đây là trường luật lâu đời nhất ở thành phố New York, thành lập từ năm 1835. Ở đây đào tạo về luật thuế chặt chẽ nhất nước Mỹ.
Cựu sinh viên nổi tiếng tại mái trường này: John F. Kennedy, Chủ tịch và cựu Giám đốc điều hành của Sony Pictures Entertainment Peter Guber, và Chủ tịch hãng Paramount Pictures cũ Jonathan Dolgen .
7. Đại học Berkeley, California: Đầu vào dễ thở, cạnh tranh không đến mức quá khủng khiếp là những gì sinh viên tại trường chia sẻ. Một môi trường học tập thoải mái, thật sự lý tưởng. Vài tên tuổi nổi danh tại trường: luật sư nổi tiếng nước Mỹ Jesse Jackson, cựu Chủ tịch Nintendo Howard Lincoln.
8. Đại học Pennsylvania: Ngôi trường được thành lập từ năm 1790, dưới thời của George Washington. Học trò tài năng của Pennsylavania có: Đồng sáng lập Vault.com Sam Hamadeh, cựu CEO của AOL Time Warner Gerald Levin.
9. Đại học Michigan: Tỷ lệ thành công trong sự nghiệp của sinh viên khi theo học ngôi trường này lên tới 98%. Mức lương họ nhận được cũng rất hâu hĩnh, vào khoảng 125.000 đô la. Muốn vào học tại Michigan cũng không quá khó, chỉ cần điểm GPA 3.67 và điểm LSAT 168 là bạn có cơ hội chen chân. Chủ tịch ABC News David Westin, Giám đốc điều hành của Texas Rangers Chuck Greenberg, và cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama Valerie Jarrett đã từng học tại đây.
10. Đại học Virginia: Ngôi trường được Thomas Jefferson xây dựng vào năm 1819, Đại học luật Virginia chấp nhận 20% tổng số thí sinh ứng tuyển vào trường. Đây là tỉ lệ tuyển sinh cao trong số 10 trường luật hàng đầu. Trường không nhận quà hiến tặng công cộng mà chủ yếu dựa vào quà tặng của cựu sinh viên.
Yêu cầu đầu vào
Bạn cần đạt đủ những điều kiện sau
- Bằng tốt nghiệp và học bạ của bậc học cao nhất
- Bảng điểm của bậc học hiện tại – nếu ứng viên đang là học sinh/ sinh viên
- Hộ chiếu hoặc giấy khai sinh
- 2 – 3 thư giới thiệu
- Chứng chỉ tiếng Anh, LSAT,SAT,GMAT, GRE (nếu có)
- Bài tự luận về bản thân (Personal Statement)
- Đơn xin theo học
- Đăng kí trên hệ thống Law School Data Assembly Service (LSDAS) , hầu như tất cả các trường ABA – trường luật được chấp nhận đều yêu cầu ứng viên đăng kí và hoàn tất đơn xin nhập học trên hệ thống.
- Phí xét hồ sơ
- Xác nhận số tiền trong tài khoản tiết kiệm.
Toàn bộ hồ sơ đều phải được dịch ra tiếng Anh khi nộp cho trường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét