Cho con đi học ở Mỹ: giải thích thắc mắc và chia sẻ của phụ huynh

Xin chia sẻ một bài viết của một blogger về việc Du học cho con tại Mỹ. Hi vọng những chia sẻ thực tế này giúp quý phụ huynh lựa chọn được  lộ trình đúng đắn cho các con.

Tính đến năm 2015, Việt Nam là thị trường phát triển mạnh nhất trong lĩnh vực du học sinh đến Mỹ. Chính xác hơn là WENR (World Education News and Reviews), một tổ chức cung cấp thông tin về giáo dục quốc tế, dự đoán rằng Việt Nam là một trong bốn thị trường phát triển nhanh nhất về số lượng học sinh đi Mỹ học mà thế giới cần để ý trong vòng 3 năm tới, cho đến hết năm 2018. Đúng như thế đấy, bạn không nghe nhầm đâu.

Đầu thế kỷ 21, phong trào du học nước ngoài ở Việt Nam là đi Singapore, Úc, Pháp, Mỹ, hoặc Phần Lan, chẳng hạn, để học đại học. Trong khoảng 5 năm qua, trào lưu mới hơn nữa là cho con đi học ở Mỹ bắt đầu từ bậc trung học trở lên.

Tôi đã nhiều lần nhận được các câu hỏi của bạn bè ở Việt Nam về những chi tiết liên quan đến việc cho con đi Mỹ học trung học. Trong lúc họ rất nhạy cảm về vấn đề chi phí, họ còn quan tâm hơn đến những vấn đề liên quan đến cuộc sống Mỹ mà có thể ảnh hưởng tới việc học và sinh hoạt của con họ, cũng như liệu sự đầu tư của họ có mang lại kết quả như mong muốn hay không. Tóm lại, họ ước muốn có được sự hiểu biết tốt hơn về đời sống ở Mỹ để có thể đưa ra quyết định tốt nhất về tương lai của con mình.

Để trả lời các câu hỏi của họ, tôi quyết định tư vấn 2 người gọi là ‘chuyên gia’ về chuyện này, vì họ đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc nuôi sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ trong nhà mình. Đó là chị Hoàng Phương Nhung và chồng là Glen Tatum, một người Mỹ da trắng. Cần nói rõ chuyện “người Mỹ da trắng” – có nghĩa là người bản xứ, và tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của họ, bởi vì chị Nhung cũng là người mang quốc tịch Mỹ nhưng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của chị. Do đó, hoàn cảnh gia đình chị có phần đặc biệt vì pha trộn cả văn hóa Việt Nam và văn hóa bản xứ – có nghĩa là văn hóa Mỹ. Vì vậy mà tôi đặt ra cho chị một số câu hỏi về gia đình bản xứ.

Bài viết sau không phải là để đưa ra các con số thống kê mà là những chia sẻ trực tiếp về một mảng lớn những gì du học sinh Việt Nam sẽ trải qua trong cuộc sống hàng ngày ở Mỹ, những thông tin thuộc loại đáng tin cậy nhất mà cha mẹ ở Việt Nam có thể hy vọng tìm kiếm được. Mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi.

Câu hỏi đầu tiên và khó quyết định nhất đối với cha mẹ trong việc gởi con đi học ở Mỹ có lẽ là: cho cháu đi học từ cấp 3 hay đi học đại học. Chị thấy thế nào?

Tốt nhất là cho các cháu đi du học từ cấp 3, có điều kiện thì đi từ lớp 10, nếu không có điều kiện thì đi từ lớp 11 hoặc trễ nhất là 12. Không nên cho các cháu đi học sau khi tốt nghiệp 12. Lý do: Khi tốt nghiệp cấp 3 ở Mỹ, các cháu sẽ không phải mất 1 năm học ESL khi vô đại học. Tất cả sinh viên du học trình độ đại học từ các nuớc Anh Văn không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ đều phải qua 1 năm học ESL. Thay vì học 1 năm ESL ở Mỹ thì chúng ta để học phí đó cho các cháu học lớp 12 ở Mỹ, thứ nhất vừa cầm đuợc tấm bằng highschool ở Mỹ, thứ hai các cháu có 1 năm kinh nghiệm với việc học lẫn kinh nghiệm sống ở Mỹ.

Học highschool ở Mỹ sẽ giúp các cháu có điều kiện làm quen với cách học, sự tự lập ở Mỹ và được tư vấn chọn trường nào mình thích. Từ năm 11 các trường đã cho các cháu đi college fair và sắp xếp các cuộc thi SAT hoặc ACT chuẩn bị vào đại học. Những năm học highschool ở Mỹ sẽ giúp các cháu quen môi trường học và hội nhập môi trường đại học nhanh hơn.

Có 1 số tiểu bang khi các cháu tốt nghiệp highschool ở Mỹ, các cháu học college sẽ được huởng tiêu chuẩn học phí in-state (chỉ áp dụng cho college thôi, không phải university), ít nhiều cũng tiết kiệm chút đỉnh về tài chánh.

Ngoài ra, vấn đề mấu chốt là đi du học trung học mức độ phỏng vấn sẽ dễ dàng hơn là phỏng vấn đi học đại học.

Tuy nhiên theo kinh nghiệm của chị, việc chọn lựa cho con đi học từ lớp 10, 11 hay 12 còn nên tùy thuộc vào yếu tố nào khác hay không như hoàn cảnh tâm lý, tính tình, trình độ nhận thức hoặc trình độ học vấn của từng cháu, hay chỉ hoàn toàn là vấn đề tài chính?

Chắc chắn tài chánh không là lý do duy nhất để các bậc cha mẹ có sự lựa chọn cho con đi học lớp 10, 11 hay 12. Về tâm lý, các bậc cha mẹ nên xem thử con mình sẽ có thể tự tin hội nhập vào môi trường giáo dục của Mỹ chưa. Từ một đứa bé được lo lắng từng ly từng tí trong gia đình, bỗng dưng qua môi trường này các cháu phải tự lập mọi thứ.

Về tính tình thì tuổi teen gần như 95% là dễ nổi loạn, nhất là con trai, cứ thích làm theo ý mình. Tính tình thì chắc chắn cha mẹ sẽ là người hiểu rõ con mình có thể ở chung với người lạ được không. Tuy nhiên nếu cha mẹ nào có con nhút nhát thì đừng quá lo sợ – chính môi trường học tập ở Mỹ sẽ giúp các cháu khắc phục được sự nhút nhát của mình. Tính tự lập trong việc học, sự thân thiện của thầy cô giáo và bạn bè sẽ khiến cho các cháu tự tin hơn.

Về trình độ nhận thức của các cháu thì cần tìm hiểu xem các cháu qua đây vì thích học hay vì thích Mỹ – điều này rất quan trọng bởi rất nhiều học sinh qua đây vì ham vui hơn là ham học hoặc vì muốn thoát ra sự kềm cặp của gia đình.

Về trình độ học vấn thì tôi nghĩ các cháu cần có một nền tảng tiếng Anh nhất định nếu muốn cho các cháu đi học. Tuy nhiên các bậc cha mẹ cũng đừng nên quá lo lắng khi các cháu chưa nghe nói giỏi lắm vì tuổi teen vẫn còn có thể hòa nhập ngôn ngữ nhanh. Nếu các cháu có vốn từ và ít nhiều kiến thức ngữ pháp căn bản thì sau 1 năm việc giao tiếp của các cháu không còn là vấn đề.

Làm sao để quyết định chọn trường nào cho con mình đi học?

Chọn trường nào thì tùy hoàn cảnh gia đình – có bà con hay bạn bè ở đâu thì chọn trường ở đó. Trung học chỉ là nền tảng căn bản cho các cháu học cấp 3, sau đó các cháu sẽ có thời gian tự lựa chọn cho mình trường nào để học đại học tùy theo tài chánh của gia đình và sức học của cháu. Nếu cho các cháu vào môi trường gia đình bản xứ nhận nuôi (hosting family) thì càng tốt, đây chính là môi trường cho các cháu học văn hóa Mỹ và trưởng thành nhân cách của mình. Các cháu qua đây chỉ được học trường tư, không được học trường công. Nếu các bạn có nghe ai “rủ rê” xin visa trường tư qua đây học trường công để khỏi tốn tiền thì mình xin các bạn KHÔNG nên nghe theo. Điều này phạm luật của Mỹ và tuơng lai của các cháu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Mình có biết một trường hợp xin visa vào trường tư nhưng qua đây học trường công (miễn phí), hè về VN chơi qua lại khi visa vẫn còn hạn, đến lúc nhập cảnh bị giữ lại và đưa ra tòa để đuổi về VN.

Việc ở với bà con, hay bạn bè của cha mẹ, hay ở với gia đình bản xứ nhận nuôi (host family) có gì khác biệt? Chị có so sánh gì có thể chia sẻ với các cha mẹ không?

Sự khác biệt đầu tiên giữa gia đình bản xứ và bà con hay bạn bè của cha mẹ là ngôn ngữ. Sống với bà con và bạn bè của cha mẹ thì nói được ngôn ngữ mẹ đẻ, được ăn món Việt và kỷ luật tương đối không khắt khe như gia đình bản xứ. Sự tự lập khi sống ở gia đình bản xứ là một yêu cầu rất cao và cơ hội học hỏi văn hóa, ngôn ngữ cũng rất tốt khi con bạn sống chung với gia đình người bản xứ. Các cháu hơi bị thiệt thòi trong phần ẩm thức, các cháu phải bỏ ngay thói quen ăn đồ ăn Việt để ăn các món Mỹ. Gia đình bản xứ nhận nuôi (hosting family) của các trường tư thì đa phần toàn là gia đình có đạo và nhà trường chọn lọc rất kỹ, từ sinh hoạt đến công ăn việc làm và đạo đức để cho phép họ nuôi du học sinh. Chỉ có điều các cháu sẽ phải vô 1 khuôn khổ nhất định như kỷ luật giờ giấc – điều này thì tốt cho các cháu. Gia đình bản xứ nhận nuôi đa phần sẽ lo chuyện đưa đón con mình đi học.

Cách dạy con của người Mỹ và người Việt Nam nói chung là rất khác nhau. Thực tế cuộc sống ở Mỹ mà các học sinh sẽ phải đối phó sẽ gây sốc cho chúng thời gian đầu ở đây. Cha mẹ ở Việt Nam có nên chuẩn bị cho con mình trước? 

Ngôn ngữ và văn hóa là hai vấn đề chính cần quan tâm. Vì vậy nên việc cho các cháu qua đây lớp 10 hay 11 sẽ giải quyết được vấn đề này. Một vấn đề khác mà các bậc cha mẹ nên nhìn nhận kỹ hơn, đa phần các cháu bên VN đều được cưng chiều và lo lắng từng li từng tí. Qua đây các cháu phải tự lập từ đầu đến cuối, các cháu sẽ không quen những việc này.

Cha mẹ VN có một thói quen là lúc nào cũng cho rằng con mình còn nhỏ, cần được lo lắng và chăm sóc từng chút một. Cha mẹ Mỹ họ lo cho con không thua người VN chúng ta nhưng họ vẫn để cho các cháu tự lập, chịu trách nhiệm với những việc làm của mình. Từ 15 tuổi trở đi, các cháu đa phần tìm cho mình một việc làm bán thời gian cho dù gia đình cha mẹ rất giàu có. Cha mẹ VN thường sợ con mình khổ nên không dám cho ra ngoài xã hội. Đây là 2 điểm khác biệt của cha mẹ Mỹ và cha mẹ VN.

Các bậc cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý con mình sẽ phải đối diện với nhiều thay đổi ở môi trường mới – các cháu sẽ dễ bị sốc trong thời gian đầu. Việc cha mẹ nói chuyện với con hàng ngày an ủi khuyên nhủ là điều rất cần thiết, động viên và an ủi các cháu – từ sinh hoạt đến ăn uống và học hành. Tất cả đều không thể như khi các cháu còn ở nhà với mình. Thật ra giai đoạn này không phải chỉ các cháu bị sốc mà cả cha mẹ cũng vậy, phần nhớ con phần lo cho con nên đôi khi cha mẹ hay có suy nghĩ tiêu cực và cho rằng mình đã sai khi cho con đi học. Ông bà ta có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Điều này hoàn toàn không sai khi các cháu có cơ hội học tập và sinh sống ở đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Hãy chuẩn bị tâm lý cho cả bản thân để cùng con mình vuợt qua giai đoạn đầu này.

Hãy dành cho các cháu 1 năm tự lo cho mình trong sinh hoạt hàng ngày trước khi cho các cháu đi học là điều rất cần thiết. Các bậc phụ huynh nên chia sẻ với các cháu về môi trường sinh hoạt mới – ở nhà cha mẹ chiều con nhưng qua Mỹ học thì không ai chiều chuộng mình, mỗi gia đình có những kỷ luật riêng.

Không phải học sinh nào qua Mỹ học cũng là do ý thích của bản thân chúng. Trong nhiều trường hợp, ý muốn đi học ở Mỹ là của cha mẹ và họ phần nào thuyết phục con mình thực hiện điều này. Chị đã đối phó với trường hợp như thế này chưa và kinh nghiệm đó ra sao?

Theo kinh nghiệm bản thân của tôi thì tôi nhận thấy ngoài việc các cháu ham muốn đi du học thật sự còn có 3 kiểu đi du học khác: đi du học theo phong trào nghĩa là bạn bè đi thì ham vui đi theo, đi du học vì bị cha mẹ ép buộc (với nhiều lý do), thứ 3 là đi du học vì muốn được thoát ra khỏi sự kèm kẹp của gia đình. Tôi đã từng gặp cả 3 trường hợp này – chỉ cần sau 1 tháng ở với chúng tôi là chúng tôi nhìn ra đuợc lý do vì sao các cháu đi học.

Chị hỏi tôi đối phó thế nào trong 3 trường hợp này? Tùy cơ ứng biến, vừa đánh vừa xoa và nói chuyện với gia đình ở VN để cha mẹ cùng mình khuyên nhủ các cháu. May mắn thay đến bây giờ chưa cháu nào bỏ cuộc hay hư hỏng. Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu xem con mình có thật sự muốn đi học hay không để đừng phí phạm tiền bạc trong việc cho các cháu qua đây. Cha mẹ nên tìm hiểu kỹ các cháu muốn đi du học là thật sự để học hay chỉ là để thoát ra khỏi sự quản lý của gia đình.

Các chi tiết về chi phí cho việc học, việc ăn ở cụ thể như thế nào, xin chị cho biết?

Bảo hiểm du học sinh khoảng $50 – $100/tháng. Học phí highschool – from $11K to $16K tùy trường. Theo kinh nghiệm thì chi phí cho 1 năm học trung học khoảng $20K/năm luôn chuyện ăn ở – chưa tính chi phí cá nhân. Đó là chi phí ở các tiểu bang vùng Trung Tây (midwest), theo mình nghe một số bạn bè thì bên California đắt hơn.

Để có thêm thông tin cho các bậc phụ huynh trong việc chuẩn bị tài chánh cho con mình đi du học, tôi liệt kê những con số căn bản.

Highschool: $20K/năm
College: 2 năm đầu – $25K/năm
University: 2 năm cuối – $35K/năm

Con số này có thể thay đổi theo tiểu bang và tùy trường học. Đây chỉ là chi phí ở một trường tương đối, có trường cao hơn rất nhiều. Một lời khuyên chân thành cho các bậc phụ huynh: nếu thật sự bạn có khả năng thì hãy cho con đi, đừng hi vọng rằng con mình sẽ tìm được học bổng hay đi làm để kiếm thêm tiền học. Các cháu vẫn phải đi làm để tích lũy kinh nghiệm và thêm chút tiền xài vặt, bởi theo luật các cháu không thể đi làm như người thường trú. Học bổng không phải dễ tìm và việc làm cũng không phải dễ kiếm, mà nếu có việc thì không phải nhiều tiền vì luật ở đây du học sinh chỉ được đi làm work study khi vô đại học, 20 giờ/tuần. Bạn thử làm bài toán, $8/giờ, sau khi trừ thuế đem về $5/giờ, bạn nghĩ con bạn kiếm được bao nhiêu? Nếu không có khả năng đừng nên đưa con đi vì chẳng khác gì đem con bỏ chợ và cơ hội bạn mất con rất cao.

Chị sống ở một thành phố nhỏ ở miền Trung Tây (midwest) dân số trên dưới 100 ngàn người? Chắc chắn cuộc sống sẽ khác hẳn các thành phố lớn mấy triệu dân trở lên. Chị vui lòng kể về sinh hoạt ở thành phố của chị với các cháu mà chị nuôi (host). Quan điểm của chị về các trường tư ở đây như thế nào?

Dân số ở Omaha khoảng trên duới 500 ngàn dân, chẳng thấm vào đâu so với Dallas, Houston hay Santa Ana nhưng tất cả những điều kiện tiện nghi cho việc học và mọi sinh hoạt thì rất đầy đủ, không khác gì các thành phố lớn. Vô trường tư các cháu phải học môn Bible (kinh thánh) vì trường tư là trường công giáo. Nếu gia đình mình là Phật Giáo thì không sao, cứ để các cháu học, mình đừng đặt nặng điểm môn này, A hay C không là vấn đề vì nó không phải là môn xét tuyển vô đại học.

Trường tư quản lý rất kỹ. Sĩ số học sinh không đông nên các thầy cô giáo nắm rõ tính tình của từng em một. Chỉ cần 8:10 sáng con bạn không vào lớp là cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ nhận được điện thoại của trường liền. Mỗi trường có một giáo viên phụ trách du học sinh. Hàng tuần đều có một bữa ăn trưa cho các du học sinh cùng cô giáo quản lý – cô giáo thăm hỏi và lắng nghe từng ý kiến của các cháu để tạo điều kiện tốt hơn cho các cháu học tập. Khi vô đến trường các cháu không được phép nói ngôn ngữ mẹ đẻ, phải nói bằng tiếng Anh, nếu vi phạm sẽ bị bắt vào trường học thêm 2 tiếng vào ngày thứ bảy. Học sinh trường tư “hiền” hơn trường công, đây là điểm lợi cho du học sinh bởi nếu con bạn vào trường công học, gặp những trường có nhiều học sinh cá biệt, con bạn làm một điều gì hơi khác thường thì sẽ bị trêu chọc trước bao nhiêu học sinh khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các cháu.

Tôi cũng cho rằng nên cho các cháu ở vùng nào ít người VN thì càng tốt.

Xin nói rõ hơn tại sao chị bảo nên chọn vùng ít người Việt sinh sống?

Điều khác biệt đầu tiên là sự bình an vì đa phần tiểu bang nào ít người Việt sinh sống thường là những tiểu bang “heo hút” hay còn được gọi là “khỉ ho cò gáy” – chẳng hạn như tiểu bang Nebraska tôi đang ở. Chắc chắn rằng ở thành phố ít người thì mức độ tội phạm sẽ không cao bằng ở nơi đông đúc. Lý do thứ hai là các cháu sẽ phải tiếp xúc với người Mỹ nhiều và tiếng Anh sẽ được tiến bộ nhanh hơn. Tôi không hề có ý là những vùng nhiều người Việt sẽ không tốt cho các cháu trong việc du học mà chỉ cảm nhận rằng nếu giảm được 1 câu tiếng Việt, con bạn sẽ tiến bộ được 1 câu tiếng Anh. Các phụ huynh cũng đừng quá lo khi các cháu không ở gần người Việt. Các cháu qua đây khi đã 14 hoặc 15, tiếng Việt chắc chắn đã giỏi và mỗi ngày đều nói chuyện với cha mẹ, tiếng Việt không bao giờ bị mai một.

Sưu tầm
SHARE

hoaduy

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image

0 nhận xét:

Đăng nhận xét