'Cho mang bài về nhà, sinh viên Harvard cũng không gian lận'. Là sự thật???

Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, ở các nước phương Tây, học sinh không gian lận thi cử vì danh dự cá nhân và họ tin làm sai sẽ bị trừng phạt.
Theo Tôn Hà Anh – học sinh Đại học Harvard - và ông Nguyễn Tuấn Hải - nhà sáng lập Eton Grammar School - một trong những khác biệt của sinh viên Việt Nam với bạn trẻ ở các nước tiên tiến là sự trung thực trong giáo dục.
'Cho mang bài về nhà, sinh viên Harvard cũng không gian lận'
Sinh viên Đại học Harvard Mỹ. Ảnh: Harvard.
Sự thật
Là người trải qua hai môi trường giáo dục Việt Nam và Mỹ, Hà Anh chia sẻ: Ở Mỹ, học sinh các trường đều cố gắng không gian lận trong học tập, riêng Harvard đã nâng lên tầm cao hơn. Slogan của trường có hai chữ “sự thật”.
Theo Hà Anh, học sinh không được phép chép bài, đề cương của nhau. Thậm chí, trong khi nghiên cứu, học sinh Mỹ không cầm sách tham khảo để "xào".
Nữ sinh Harvard kể lại, sau khi học xong lớp 11 THPT Hà Nội - Amsterdam, cô sang Mỹ học tiếp cấp ba. Trong giờ thí nghiệm Vật lý, thông thường, học sinh Việt Nam sẽ mở sách để xem phần lý thuyết, sau đó thực hành. Hà Anh làm như vậy và bị một người bạn Mỹ nhắc nhở: Đó là sự gian lận.
Nữ sinh rất ngạc nhiên khi trong giờ kiểm tra, thầy cô ra ngoài còn học sinh nghiêm túc làm bài, không ai "quay cop". Thậm chí, giáo viên còn thoải mái cho học sinh mang bài kiểm tra về nhà làm. Trường học coi trung thực trong thi cử là danh dự phải được tôn trọng.
Đăng Quang, sinh viên năm thứ ba tại Hoa Kỳ, từng học phổ thông tại Singapore, chia sẻ, môi trường giáo dục của Singapore luôn đề cao tinh thần tự giác. Học sinh kém cũng không gian lận. Có lần, nam sinh hỏi người bạn: “Tại sao lại không mở sách ra khi có cơ hội?”, cậu nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Điều đó không đúng”.
Đăng Quang khẳng định, ở Singapore đúng và sai luôn rõ ràng. Chia sẻ vấn đề này, ông Tuấn Hải cho rằng, nhiều nước châu Á khác có sự "xáo trộn" trong cách tiếp cận sự thật. Đúng và sai có thể đảo ngược bằng tiêu cực, cụ thể là bằng tiền.
Theo người sáng lập Eton Grammar School, ở nhiều nước phương Tây, học sinh không gian lận vì danh dự cá nhân và họ tin làm sai sẽ bị trừng phạt. Điều này thấm nhuần trong tư tưởng các em như một "nguyên tắc vàng".
Ông Hải đánh giá, sự thật trong học thuật phải được đề cao, nhưng rất tiếc giáo dục Việt Nam không làm được từ cái gốc này. Ông cũng dẫn ví dụ cách giáo dục của một quốc gia khác là Israel. Họ luôn chú trọng dạy con những điều “không được phép làm” hơn những gì “được làm”.
'Cho mang bài về nhà, sinh viên Harvard cũng không gian lận'
Tôn Hà Anh chia sẻ các câu chuyện giáo dục qua lăng kính Harvard.
Điều vĩ đại từ trăn trở cuộc sống
Bàn luận về mối quan hệ của giáo sư và học sinh, ông Nguyễn Tuấn Hải nêu quan điểm, khi nào thầy cô còn là thế lực thì môi trường giáo dục không ổn. Ở Mỹ hay Singapore, giáo sư luôn mong muốn sinh viên dành thời gian cho vấn đề trước khi trao đổi. Sự hỗ trợ của người thầy chỉ mang tính chất gợi ý, tạo cảm hứng.
Ở Harvard, giáo sư và sinh viên đều không mang theo sứ mệnh thay đổi toàn diện thế giới. Họ chỉ cố gắng thay đổi một vài trong số hàng trăm nghìn vấn đề của xã hội, điều đó cũng đủ để giúp số đông.
Hà Anh kể lại, một giáo sư người Mỹ đã nghiên cứu ra tế bào gốc chữa bệnh đái tháo đường type 1, đang thí nghiệm trên chuột và dự định được ứng dụng vào năm 2017. Nghiên cứu xuất phát từ sự trăn trở cả cuộc đời ông, khi con trai bị mắc căn bệnh này và cuối cùng đã thành công.
Cũng giống như Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook chưa từng nghĩ sẽ tạo ra một mạng xã hội to lớn để kết nối cả thế giới. Ban đầu, Mark chỉ có ý định mở mạng xã hội để kết nối sinh viên khóa trên và khóa dưới khi ở trong ký túc xá của Đại học Harvard.
Những ý tưởng thiết thực từ trăn trở cuộc sống luôn giúp họ tạo nên những điều vĩ đại. Hà Anh cho biết, tại Harvard, nếu sinh viên có ý tưởng và kế hoạch thực hiện, nhà trường sẽ tìm mọi cách để giúp giải quyết vấn đề.
(Sưu tầm)
SHARE

hoaduy

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image

0 nhận xét:

Đăng nhận xét