Làm thế nào để dễ dàng vượt qua cú sốc văn hóa khi Du học?


Khi bạn chuyển đến sống và học tập tại một quốc gia khác với một nền văn hóa mới lạ – vốn khác biệt với nền văn hóa quen thuộc – thì hiện tượng “sốc văn hóa” là một biểu hiện thường thấy. Tùy vào mỗi người, tùy thuộc môi trường mà quá trình trên sẽ rất ngắn hoặc đôi khi kéo dài, tạo ra những khó khăn trong việc hòa nhập vào một nền văn hóa mới. Nhìn chung, quá trình “sốc văn hóa” trải qua nhiều giai đoạn. Ban đầu, bạn sẽ hứng khởi khi nhìn thấy những điều khác lạ so với quê nhà. Đây là giai đoạn mà bạn tiếp nhận “ồ ạt” những giá trị của đất nước bạn đang sống. Tuy nhiên, ngay sau đó sẽ là khoảng thời gian bạn cảm thấy xa lạ và mệt mỏi với mọi thứ xung quanh. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trong đó, việc chưa bắt kịp với ngôn ngữ nước sở tại chính là rào cản khó khăn nhất. Dù đã học tập ngoại ngữ rất tốt khi còn ở nhà nhưng bạn cũng sẽ phải mất một ít thời gian để làm quen với phương ngữ đấy. Việc khó giao tiếp với những người xung quanh trong giai đoạn đầu sẽ khiến bạn rơi vào “khủng hoảng” và làm bạn không muốn tiếp xúc với ai. Tuy nhiên khi đã chấp nhận những khó khăn và bắt đầu điều chỉnh để phù hợp với môi trường, bạn đang dần dần hòa nhập với nền văn hóa bản địa đấy. Mỗi người có một tốc độ thích nghi khác nhau nên các giai đoạn trên cũng kéo dài hay thu hẹp tùy vào trường hợp khác nhau. Sốc văn hóa là điều không thể tránh, thế nhưng, những cú sốc này lại là yếu tố quan trọng và cần thiết để bạn kết nối các giá trị văn hóa của bản thân và điều chỉnh chúng cho phù hợp với những giá trị văn hóa mới. Sốc văn hóa được xem là bước đầu của sự hòa nhập.



Biểu hiện của sốc văn hoá

-Bận tâm quá mức tới sự thay đổi thể chất nhỏ
-Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
-Mong muốn trở về nhà tha thiết
-Thay đổi tâm trạng thất thường: giận dữ, khó chịu, thích ở một mình
-Thiếu tự tin
-Không thể giải quyết các vấn đề cơ bản

Hầu hết các sinh viên khi mới đi du học đều phải trải qua những tình trạng trên, một số người bị ảnh hưởng nhiều hơn những người khác. Tuy nhiên có thể vững vàng vượt qua, thì những cú “’sốc văn hoá’’ thường sẽ không còn là vấn đề với bạn, ngược lại có thể giúp họ hiểu rõ vượt qua được những giới hạn của bản thân.


Một số kinh nghiệm giúp bạn dễ dàng vượt qua cú sốc văn hóa khi du học

TÌM HIỂU NHỮNG THÔNG TIN CẦN THIẾT: Bạn cần biết trước những thông tin cần thiết về những gì bạn sắp phải đối mặt. Bạn có thể tìm hiểu trên những trang web, qua sách vở, hay qua những cuộc giao tiếp hằng ngày. Về vấn đề giao tiếp: việc này có thể rất khó cho bạn trong những thời gian đầu nhưng chính giao tiếp sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc thêm về nền văn hoá mới này, và giúp bạn học tập và làm việc dễ dàng hơn.

CÁI NHÌN KHÁCH QUAN ĐỐI VỚI SỰ KHÁC BIỆT VỀ VĂN HÓA: Vào những ngày đầu khi mới tìm hiểu và tiếp xúc với môi trường văn hóa còn lạ lẫm, bạn đừng nên vội vàng đưa ra kết luận rằng những khác biệt văn hóa bản địa so với bản thân đều có chiều hướng tiêu cực và sai trái. Cách tốt nhất là giữ cho mình cách nhìn khách quan, xem xét thật kỹ vấn đề trước khi đưa ra nhận xét cho bất cứ điều gì. Đồng thời, dành thời gian để trang bị những kiến thức văn hóa về quốc gia đang sinh sống cũng là việc cần thiết. Mỗi quốc gia có một nền văn hóa khác nhau, có cách cư xử khác nhau. Hãy quan sát và học tập để hiểu biết thêm về xã hội, con người bốn phương một cách khách quan nhất.
VƯỢT QUA RÀO CẢN NGÔN NGỮ: Đối với hầu hết mọi người, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khi ra nước ngoài sinh sống và học tập, làm việc.Vì thế, chuẩn bị thật tốt về ngôn ngữ để có thể giao tiếp với người bản ngữ sẽ góp phần giảm thiểu những hiểu lầm do diễn đạt không đúng cũng như giảm thiểu sự bực tức khi không thể diễn đạt đúng suy nghĩ của mình bằng tiếng nước ngoài. Phương thức nhanh nhất để cải thiện khả năng giao tiếp là việc chủ động trong giao tiếp. Bạn nên nắm lấy cơ hội giao tiếp với người bản xứ bất cứ khi nào có thể, khi đó bạn sẽ dần dần làm quen với những gì họ nói, cách thức biểu đạt từ ngữ. Giai đoạn đầu có thể sẽ khó khăn nhưng đừng từ bỏ, dần dần bạn sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong giao tiếp thường ngày đấy.


HỌC CÁCH THÍCH NGHI: Khi bước chân đi du học, họ bắt đầu tiếp xúc với một môi trường sống hoàn toàn khác lạ, những con người mới, những người bạn đến từ nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác nhau. Lối sống, văn hóa ứng xử, phong tục cũng có nhiều khác biệt khiến họ rơi vào tình trạng “sốc” khi phải thích nghi với nhiều điều thay đổi đến vậy. Kết bạn với người bản xứ – đây có thể là việc quan trọng nhất để làm quen với nền văn hoá mới, đặc biệt hơn nếu họ có thể trở thành người bạn thân thiết và đáng tin cậy. Người bạn bản xứ này có thể giúp bạn giải thích những điều bạn cho là mới lạ đang xảy ra xung quanh.


LÀM THÊM: Nhiều người đã từng đi du học chia sẻ rằng, kiếm một công việc làm thêm là giải pháp cực kỳ tối ưu giúp bạn nhanh chóng hòa nhập với môi trường sống ở nước ngoài, giúp bạn hiểu nhanh hơn về con người cũng như những phong tục tập quán, văn hóa nơi đây và tất nhiên cũng mang đến cho bạn một khoản thu nhập không hề nhỏ. Một công việc làm thêm khi đi du học mang lại cho bạn nhiều thứ hữu ích ngoài khoản thu nhập khá khá mà bạn có thể kiếm được . Công việc part time ở nước ngoài khá đa dạng, bạn có thể làm bồi bàn cho một nhà hàng, một quán cà phê… Việc part time cũng không chiếm quá nhiều thời gian của bạn, bạn vẫn hoàn toàn có đủ thời gian để học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường.

TÌM HIỂU VĂN HÓA BẰNG VIỆC ĐI DU LỊCH: Hãy tạo thời gian cho bản thân để tham quan và làm những gì mà người dân bản xứ thường làm! Bạn sẽ có thể khám phá ra những điều thú vị mà ngay cả người dân ở đây cũng không biết. Khi bạn đã làm quen với tất cả mọi thứ và cảnh quan ở đây, thì ngay cả những dãy núi hùng vĩ cũng trở thành một thứ vô cùng bình thường. Vì vậy, trước khi những cảnh vật này trở nên nhàm chán với bạn, hãy tận hưởng nó.


Hãy đặt ra những lịch trình cụ thể cho chính bạn, việc này sẽ giúp cho bạn tự chủ trong sinh hoạt hằng ngày. Đừng để sự thay đổi văn hóa kiểm soát cuộc sống và suy nghĩ của bạn mà bạn nên thay đổi để thích nghi với nó. Không nên quá khó khăn với bản thân khi phạm sai lầm trong một tình huống giao tiếp nào đó với người bản xứ, luôn lạc quan và rút kinh nghiệm từ những lần vấp ngã. Với những du học sinh thì việc cân bằng giữa học tập và sinh hoạt cũng nên chú ý. “Làm con mọt sách” mà quên đi việc giải trí cần thiết sẽ khiến cuộc sống của bạn thiếu mất những gia vị riêng mà bạn chỉ có thể tìm được tại đất nước bản xứ. Tuy nhiên, chỉ lo khám phá mà quên đi mục đích chính là học tập sẽ khiến bạn đánh mất những cơ hội tương lai của mình và làm lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của bạn đấy. Cân bằng cuộc sống sẽ giúp ích cho bạn nhiều hơn.

(Sưu tầm)
SHARE

hoaduy

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image

0 nhận xét:

Đăng nhận xét